Cụ thể, đối với các mặt hàng như năng lượng, nước uống, những loại thực phẩm chủ lực, đặc biệt là các sản phẩm tươi sống sẽ áp mức thuế VAT 13%. Các sản phẩm không thuộc loại hàng mau hỏng bị áp thuế ở mức 23%. Mức thuế tối đa này cũng áp dụng cho các dịch vụ giao thông công cộng, taxi, nhà hàng và các các dịch vụ khác. Ngoài ra, chính phủ Hy Lạp sẽ từng bước loại bỏ những ưu đãi về thuế giá trị gia tăng đối với các đảo ở nước này.

Trong khi đó, riêng các mặt hàng như thuốc men, sách, vé nhà hát thì mức thuế này lại giảm từ 6,5% hiện nay xuống còn 6%. Với mức tăng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng đợt tăng thuế lần này sẽ tác động trước tiên tới những người có thu nhập trung bình và thấp.

Đây là một trong những biện pháp đầu tiên trong gói thắt lưng buộc bụng mà Hy Lạp phải làm theo yêu cầu của chủ nợ. Quốc hội nước này cũng nhất trí tiến hành những biện pháp cải cách sâu hơn nữa đối với hệ thống tiền lương như dần dần loại bỏ tất cả các phương án nghỉ hưu sớm.

Cũng trong sáng ngày 20/7, Ngân hàng Hy Lạp hoạt động trở lại sau 3 tuần đóng cửa do khủng hoảng. Như vậy, người dân Hy Lạp đã không còn phải đứng chờ mỗi ngày trước những chiếc máy ATM nữa vì hạn mức rút tiền mỗi ngày đã được chuyển thành mỗi tuần với mức rút tối đa là 420 Euro.

Người dân phải xếp hàng dài để chờ rút tiền ở Hy Lạp

Những hình ảnh bắt gặp nhiều nhất trong suốt thời gian gần đây tại Hy Lạp là cảnh dòng người xếp hàng dài trước máy rút tiền tự động ATM chỉ để rút được tối đa 60 Euro (tương đương 41 bảng Anh) mỗi ngày. Đây là hạn mức được Hy Lạp đưa ra để tránh cho các ngân hàng rơi vào tình trạng hết tiền mặt.

Tuy nhiên, phần lớn các biện pháp kiểm soát vốn vẫn được duy trì, bao gồm cả việc ngừng các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài và ngừng mở tài khoản mới. Sau khi Quốc hội Hy Lạp thông qua gói biện pháp khắc khổ theo yêu cầu của các nước Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) để đổi lấy gói cứu trợ mới trị giá 86 tỷ Euro, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 16/7 đã quyết định nâng mức trần Quỹ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho các ngân hàng Hy Lạp lên 900 triệu Euro (978 triệu USD), cho phép hệ thống ngân hàng nước này hoạt động trở lại. Ước tính, sau 3 tuần đóng cửa các ngân hàng, nền kinh tế nước này thiệt hại khoảng 3 tỷ Euro (3,3 tỷ USD), chưa kể tổn thất của ngành du lịch. Theo kế hoạch, ngày 20/7, Hy Lạp phải thanh toán cho ECB khoản nợ trị giá 4,2 tỷ Euro./.