Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán TPP

Sau 4 ngày đàm phán tại Hawaii, Mỹ, ngày 31/7, đàm phán cấp Bộ trưởng Thương mại về TPP đã kết thúc mà không đạt được một thỏa thuận cuối cùng do tranh cãi giữa Nhật Bản và Mỹ liên quan tới lĩnh vực ô tô, yêu cầu của New Zealand đối với các sản phẩm bơ sữa và các nhà đàm phán không đạt được sự đồng thuận về thời gian giữ độc quyền đối với các loại thuốc thế hệ tiếp theo.

Vòng đàm phán đã tập trung thảo luận những vấn đề khó khăn còn tồn đọng giữa các nước như quy định về quyền sở hữu trí tuệ, hoạt động của các doanh nghiệp, các điều khoản về thị trường lao động và bảo vệ môi trường, giải quyết các tranh chấp. Vào ngày đàm phán cuối cùng, các Bộ trưởng Thương mại của 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP đã lùi cuộc họp báo ban đầu dự kiến diễn ra lúc 13h30' theo giờ Hawaii (6h30' ngày 1/8 theo giờ Hà Nội) tới 16h00 cùng ngày (9h00 theo giờ Hà Nội). Đây được coi là một nỗ lực để giải quyết các bất đồng, song các quan chức cho biết đã không có bước đột phá nào vào phút chót.

EU thông qua luật mới nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan

Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông qua một bộ luật mới để tạo dựng một hệ thống hải quan "đơn giản, hiện đại hơn và thống nhất" tại Liên minh châu Âu (EU) nhằm hỗ trợ các hoạt động thương mại xuyên biên giới và mở rộng hợp tác về các vấn đề hải quan toàn khối.

Theo một thông cáo báo chí của EC, luật này liên quan tới nhiều hoạt động hải quan bao gồm đơn giản hóa các thủ tục và quy trình thông quan, các quy tắc rõ ràng hơn để đảm bảo sự đối xử công bằng đối với các thành phần kinh tế trong EU...

Luật này cũng bao gồm việc xác lập các yêu cầu về dữ liệu chung làm cơ sở cho các hệ thống IT (công nghệ thông tin) mới liên kết cơ quan hải quan của các nước thành viên để đảm bảo tốt cho công tác trao đổi thông tin, cải thiện công tác quản lý rủi ro nhằm tăng cường chống buôn bán bất hợp pháp, chống khủng bố và các hoạt động tội phạm khác.

IMF thông qua khoản hỗ trợ tài chính 1,7 tỷ USD cho Ukraine

Ngày 31/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết ban điều hành của định chế tài chính này đã thông qua khoản vay 1,7 tỷ USD cho Ukraine.

Theo IMF, khoản vay này là một phần của chương trình hỗ trợ tài chính trong thời gian 4 năm trị giá 17,5 tỷ USD cho Ukraine, nâng tổng khoản vay theo chương trình này (cho đến nay) lên tới 6,68 tỷ USD.

Trong một thông báo, IMF cho biết khoản cho vay mới trên được đưa ra sau khi tổ chức này hoàn tất chương trình đánh giá đầu tiên đối với tiến bộ của Chính phủ Ukraine theo chương trình cho vay nhằm phục hồi kinh tế của Ukraine, vực dậy khả năng chống chịu được những tác động từ bên ngoài, củng cố lĩnh vực tài chính công, duy trì sự ổn định tài chính của quốc gia.

Ngân hàng trung ương Nga tiếp tục hạ lãi suất lần thứ 5

Ngày 31/7, Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định hạ lãi suất cơ bản từ mức 11,5% xuống còn 11% theo đúng lộ trình đề ra trước đó. Đây là lần thứ 5 kể từ đầu năm Ngân hàng trung ương Nga hạ lãi suất.

Quyết định trên được Ngân hàng Trung ương Nga đưa ra trong bối cảnh hoạt động kinh tế nước này vẫn tiếp tục trì trệ bất chấp tỷ lệ lạm phát tăng nhẹ./.