Theo Reuters, ngày 3/8, IMF cho biết, tác động của các biện pháp trừng phạt đối với khả năng tiếp cận các thị trường tài chính của Nga từ bên ngoài sẽ kéo dài.

Tài chính ngân hàng là một trong những lĩnh vực ảnh hưởng nhiều nhất từ lệnh trừng phạt

Định chế này cũng dự báo kinh tế Nga sẽ tăng trưởng “yếu” vào khoảng 1,5%/năm trong trung hạn. Nước này đã tăng trưởng khoảng 7%/năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tuy nhiên, IMF cũng lưu ý kinh tế Nga sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng vào năm tới do đồng Ruble suy yếu đã giúp Nga nâng cao khả năng cạnh tranh, trong khi nhu cầu thị trường nước ngoài gia tăng và tình hình tài chính trong nước ổn định trở lại.

IMF ước tính GDP của Nga sẽ tăng 0,2% vào năm 2016 sau khi giảm 3,4% trong năm nay.

Liên quan đến lệnh trừng phạt của phương Tây, ngày 19/6, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gia hạn thêm sáu tháng (cho đến tháng 6/2016) các lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga liên quan tới sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập Liên bang Nga hồi tháng 3/2014. Quyết định trên được EU đưa ra chỉ vài ngày sau khi thông qua một loạt biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới vai trò của Moskva trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế kéo dài đến tháng 6/2016 sẽ nhằm vào các ngành ngân hàng, khí đốt và quốc phòng của Nga.

Quyết định lần này của EU cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt đã được nhất trí hồi tháng 6/2014, trong đó có lệnh cấm các tàu du lịch hoạt động tại các cảng Crimea và hạn chế xuất khẩu các thiết bị viễn thông và vận tải tại bán đảo này./.