Sau gần 2 tuần đàm phán chuyên sâu, Hy Lạp và bộ ba chủ nợ quốc tế gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sáng 11/8 đã đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ trị giá khoảng 86 tỷ Euro (tương đương 94 tỷ USD), tạo điều kiện cho Hy Lạp nhanh chóng nhận được khoản giải ngân mới để có thể thanh toán khoản nợ đáo hạn cho ECB vào ngày 20/8 tới.

Các quan chức Hy Lạp thông báo hai bên đã nhất trí với các chi tiết trong thỏa thuận cải cách đổi lấy cứu trợ của Hy Lạp, bất chấp hai vấn đề mang tính thứ yếu còn sự bất đồng.

Hiện Hy Lạp đang rất cần gói cứu trợ thứ 3 trong 3 năm tới để có thể chi trả các khoản tín dụng đáo hạn cũng như hỗ trợ hệ thống ngân hàng đang trong cảnh hoạt động cầm chừng ở nước này. Phần lớn số tiền trong gói cứu trợ thứ ba được lấy từ quỹ cứu trợ thuộc Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM).

Giới chức Hy Lạp bày tỏ hy vọng Quốc hội nước này sẽ thông qua thỏa thuận này muộn nhất trong ngày 12 hoặc 13/8, sau đó Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) sẽ thông qua văn kiện này trong ngày 14/8, mở đường cho việc Hy Lạp nhận được khoản cứu trợ vô cùng cấp thiết trước này 20/8, thời điểm nước này phải tranh toán khoản nợ trị giá tới 3,2 tỷ Euro (3,5 tỷ USD) cho ECB.

Sau khi được khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu thông qua, thoả thuận còn phải nhận được sự ủng hộ của quốc hội một số nước khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, trong đó có Đức.

Trước khi đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ thứ ba này, Hy Lạp và các nước chủ nợ quốc tế đã nhất trí về các mục tiêu ngân sách mà Athens phải thực hiện trong 3 năm tới nhằm đổi lấy gói cứu trợ thứ ba này, theo đó Hy Lạp cam kết sẽ đạt thâm hụt ngân sách đầu tiên ở mức 0,25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay trước khi đạt thặng dư ngân sách vào năm 2016. Sau khi đạt thặng dư ngân sách đầu tiên vào năm 2016, con số này tiếp tục tăng lên mức 1,75% GDP trong năm 2017 và 3,5% GDP trong năm 2018.

Để đổi lấy những khoản tài chính mới, nhiều chính phủ Hy Lạp thay thế nhau đã phải áp đặt hàng loạt biện pháp cắt giảm chi tiêu, tăng thuế và cải cách, giảm chi tiêu ngân sách, nhưng lại gây ra suy thoái trầm trọng với nền kinh tế và làm tăng mạnh tỷ lệ thất nghiệp./.