Mỹ tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam

Theo các hãng AFP và Reuters, ngày 2/10, trong một thông báo ra sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí áp đặt trong gần 4 thập kỷ qua với Việt Nam.

Nữ phát ngôn viên bộ trên Jen Psaki nói: “Ngài Ngoại trưởng đã thông báo với Ngài Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh rằng Bộ Ngoại giao đã thực hiện những bước đi nhằm cho phép chuyển giao các trang thiết bị quốc phòng liên quan đến an ninh hàng hải cho Việt Nam trong tương lai.”

Trong một cuộc họp báo riêng rẽ, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng việc bán bất cứ loại vũ khí cụ thể nào cho Việt Nam sẽ được đánh giá trên cơ sở từng trường hợp một.

IMF cảnh báo các nền kinh tế phát triển về tình trạng giảm cầu

Trong báo cáo công bố ngày 30/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo các quốc gia giàu có đang phải đối mặt với nguy cơ giảm cầu và đây là thời điểm cần thiết phải đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của IMF nhận định lãi suất cho vay hiện đang thấp, nhu cầu chi tiêu tại các quốc gia giàu có giảm mạnh, ngoài ra đầu tư vào cơ sở hạ tầng bị thu hẹp ở hầu hết các thị trường mới nổi và ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển.

Đây là dấu hiệu đáng lo ngại bởi cơ sở hạ tầng công cộng là một yếu tố thiết yếu trong các hoạt động sản xuất, việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thường sẽ mang lại hiệu quả trong việc tăng năng suất cả ngắn hạn và dài hạn đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế và hiệu quả đầu tư luôn ở mức cao.

Một nghiên cứu tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển cho thấy cứ tăng 1% giá trị GDP cho đầu tư thì sản lượng kinh tế sẽ tăng 0,4% trong năm đó và khoảng 1,5% sau 4 năm.

Ấn Độ công bố chính sách "Hành động phía Đông" hướng về ASEAN

The Hindustan Times ngày 5/10, cho biết Chính phủ liên minh Dân chủ quốc gia (NDA), do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu, đã quyết định lấy tên “Hành động phía Đông” thay cho “Chính sách hướng Đông” - một chính sách đối ngoại quan trọng được đưa ra từ những năm 90 của thế kỷ 20 dưới thời Thủ tướng Narasimha Rao - nhằm củng cố quan hệ chiến lược và mở rộng quan hệ kinh tế với các nước Đông Nam Á.

Sự thay đổi trên được nêu trong bản tuyên bố chung sau cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Modi với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 30/9 vừa qua. Liên quan đến chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ và “Tái cân bằng châu Á” của Mỹ, hai bên cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các nước châu Á-Thái Bình Dương thông qua tham vấn, đối thoại và tập trận chung.

Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á tăng trưởng ổn định

Trong báo cáo "Triển vọng Phát triển châu Á 2014" vừa công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá triển vọng tăng trưởng của các nước đang phát triển ở châu Á vẫn giữ ở mức ổn định và khu vực này sẽ tiếp tục là nơi có nhịp độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu.

Theo ADB, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ tăng trưởng 6,2% trong năm 2014 và 6,4% trong năm 2015, sau khi tăng trưởng 6,1% trong năm 2013.

Chủ tịch ADB Takehiko Nakao nhận định các quốc gia đang phát triển ở châu Á vẫn sẽ duy trì được đà tăng trưởng kinh tế, bất chấp đà phục hồi chậm hơn dự kiến của các nước công nghiệp phát triển và nhu cầu bên ngoài “ì ạch”.

Nga phê chuẩn Hiệp ước thành lập Liên minh kinh tế Á-Âu

Ngày 3/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký phê chuẩn Hiệp ước thành lập Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) sau khi Quốc hội nước này thông qua văn kiện trên cuối tháng 9 vừa qua.

Như vậy, Nga trở nước đầu tiên trong 3 quốc gia tham gia EEU (gồm cả Belarus và Kazakhstan) hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết thiết để EEU có hiệu lực từ ngày 1/1/2015./.