Ngày 23/9, Tạp chí tài chính Caixin của Trung Quốc cho biết, PMI của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 6 năm qua. Đây là một chỉ số quan trọng đánh giá tình hình sản xuất của một quốc gia, và chỉ số PMI của một quốc gia dưới mức 50 cho thấy khu vực sản xuất của nước đó đang bị thu hẹp.

Nhà kinh tế học Hà Phàm của Caixin nhận định: “Sự suy giảm này cho thấy ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc đang ở giai đoạn quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu”. Ông cho rằng hoạt động sản xuất yếu của Trung Quốc chủ yếu do nhu cầu từ bên ngoài về hàng hóa Trung Quốc giảm sút và giá xuất khẩu thấp.

Trong khảo sát của Reuters hồi tháng 8, các nhà phân tích cũng nhận định, sự suy giảm của thị trường bất động sản, tình trạng dư thừa công suất, lĩnh vực xuất khẩu yếu đi và mức nợ cao của các chính quyền địa phương cũng đang là những yếu tố đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sự suy sụp của thị trường chứng khoán và động thái điều chỉnh hạ tỷ giá đồng Nhân dân tệ hồi đầu tháng 8 càng làm dấy lên những quan ngại về nguy cơ "hạ cánh cứng" của kinh tế Trung Quốc.

Trước đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 22/9 đưa ra nhận định rằng tác động từ tình trạng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đến kinh tế toàn cầu lớn hơn so với ước tính trước đó.

Theo bà Lagarde, việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn có thể tác động lan truyền trong khu vực hơn so với những gì được lường trước. Bà cho rằng sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc gây rủi ro suy giảm lớn hơn dự kiến. Nói đến kinh tế toàn cầu, bà nhận định tăng trưởng sẽ giảm.

Tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại và những câu hỏi được đặt ra về khả năng của Chính phủ Trung Quốc trong việc kiểm soát tình hình đã gây ra lo ngại về thực trạng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, từ đó khuấy động các thị trường tài chính trong những tháng gần đây./.