IMF cảnh báo kinh tế thế giới tăng trưởng chậm trong dài hạn

Ngày 30/9, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng thấp trong dài hạn.

Trong bài phát biểu khai mạc phiên họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington (Mỹ), Tổng Giám đốc Lagarde nêu rõ tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm 2015 được dự báo chậm hơn so với năm ngoái, và ở mức vừa phải trong năm 2016.

Cụ thể, các nền kinh tế phát triển nhiều khả năng chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn, trong khi tăng trường của các nền kinh tế mới nổi có thể sẽ giảm trong năm thứ 5 liên tiếp.

Theo bà Lagarde, dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu kém khả quan là do tình trạng bất ổn và biến động trên thị trường trong bối cảnh hiện nay, xuất phát từ những lo ngại Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong 9 năm qua cộng với tình trạng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.

APEC kêu gọi tái cơ cấu toàn diện để đảm bảo tăng trưởng kinh tế

Hội nghị thượng đỉnh diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vừa kết thúc tại khu nghỉ dưỡng Cebu của Philippines, với việc khởi động Kế hoạch Hành động Cebu (CAP), một lộ trình hướng tới tương lai tài chính bền vững hơn cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hội nghị trên diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sụt giảm và trong tháng vừa qua Bắc Kinh đã điều chỉnh hạ giá đồng nhân dân tệ - điều làm chao đảo thị trường tài chính quốc tế.

Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng các nước đàm phán TPP tại Mỹ

Ngày 30/9 (rạng sáng 1/10 theo giờ Hà Nội), Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khai mạc tại thành phố Atlanta, thuộc tiểu bang Georgia ở Đông Nam nước Mỹ, nhằm nỗ lực đạt được thỏa thuận liên quan tới hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới này.

Trọng tâm chương trình nghị sự của hội nghị kéo dài hai ngày này là tìm cách thu hẹp các bất đồng trong một loạt vấn đề then chốt vốn đã khiến vòng đàm phán cấp bộ trưởng mới nhất diễn ra cuối tháng Bảy vừa qua tại Hawaii không đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Đó là việc Mỹ hạn chế nhập khẩu một số linh kiện ôtô từ Nhật Bản, vấn đề Mỹ và Canada mở cửa thị trường đối với các sản phẩm bơ sữa của New Zealand và thời gian bảo hộ độc quyền đối với mặt hàng dược phẩm thế hệ mới.

Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Nga suy giảm 3,8% năm nay

WB ngày 30/9 hạ dự báo triển vọng kinh tế của Nga, đồng thời cảnh báo nhiều người dân nước này sẽ rơi vào cảnh nghèo túng khi cuộc khủng hoảng kinh tế mà họ đang phải đối mặt có chiều hướng xấu đi và sẽ để lại dư âm tới năm sau.

WB dự báo kinh tế Nga sẽ suy giảm 3,8% trong năm 2015 so với mức dự báo âm 2,7% đưa ra trước đó. Thậm chí con số này có thể rơi xuống âm 4,3% nếu giá dầu vẫn tiếp tục giảm và chỉ còn trung bình 50 USD/thùng trong năm nay.

WB cũng đảo ngược dự báo triển vọng kinh tế Nga trong năm 2016 từ mức tăng trưởng nhẹ 0,7% thành âm 0,6% và khả năng tăng trưởng dương chỉ trở lại vào năm 2017 với con số khiêm tốn 1,5%./.