Nga quyết định xóa 90% số nợ từ thời Liên Xô cho Cuba

Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga ngày 9/7 đã phê chuẩn hiệp định liên chính phủ về giải quyết nợ của Cộng hòa Cuba với Nga theo các khoản tín dụng được cung cấp từ thời Liên Xô trước đây.
Theo hiệp định ký tại Moskva ngày 25/10/2013, tổng số nợ của Cuba với Nga theo các khoản tín dụng là 35,2 tỷ USD.
Thứ trưởng Tài chính Sergei Storchak trước đó cho biết, một nửa số nợ này là tiền lãi các khoản tín dụng được cung cấp trong thời gian những năm 1970 và phần lớn là những năm 1980, phần khác là các khoản nợ của Cuba trong một loạt dự án được tài trợ từ tín dụng quốc gia của Liên Xô trước đây, tuy nhiên các dự án này chưa được thực hiện.
Theo hiệp định, 90% (32 tỷ USD) khoản nợ sẽ được xóa, 10% còn lại sẽ được thanh toán trong vòng 10 năm thành những khoản đều nhau nửa năm một.

Trung Quốc công bố Sách Trắng thứ hai về viện trợ nước ngoài

Theo Tân Hoa xã, ngày 10/7, Văn phòng thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố Sách Trắng thứ hai về viện trợ nước ngoài của nước này.
Sách Trắng nêu chi tiết về cách thức Bắc Kinh hỗ trợ các quốc gia đang phát triển khác giảm đói nghèo, đồng thời cải thiện điều kiện sống mà không kèm theo những điều kiện về chính trị.
Sách Trắng, có tên Viện trợ nước ngoài của Trung Quốc 2014, nêu rõ với tư cách là quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã chi 89,34 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 14 tỷ USD) cho viện trợ nước nước ngoài từ năm 2010-2012 thông qua hình thức viện trợ không hoàn lại, các khoản vay không lãi suất và các khoản vay ưu đãi.

Nợ công của Ai Cập tăng cao, gần chạm ngưỡng 100% GDP

Theo số liệu thống kê ngày 9/7 của Ngân hàng Trung ương Ai Cập (CBE), nợ công của quốc gia Bắc Phi này đã tăng lên mức 98,4% vào cuối tháng Ba vừa qua.
Theo thống kê, nợ trong nước của Ai Cập đã tăng lên gần 238 tỷ USD vào cuối tháng Ba, chiếm tới 83% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với mức hơn 204 tỷ USD cùng kỳ năm trước và gần 231 tỷ USD vào tháng 12/2013.
Trong khi đó, nợ nước ngoài cũng ở mức 45,3 tỷ USD, chiếm 15,4% GDP vào cuối quý 3 của năm tài chính 2013-2014 kết thúc vào ngày 30/6.

Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung: Còn nhiều bất đồng
Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ lần thứ 6 đã kết thúc tối 10/7 tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) với việc hai bên không đạt được nhận thức chung về một số vấn đề, đặc biệt là vấn đề an ninh mạng và tranh chấp trên biển.
Theo AFP, tại phiên bế mạc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo rằng các vụ đánh cắp tài sản trí tuệ qua mạng gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ và đe dọa tính cạnh tranh của Mỹ, tạo ra hiệu ứng tiêu cực đối với các hoạt động đầu tư và phát triển công nghệ.
Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Thời báo New York của Mỹ ngày 9/7 đưa tin các tin tặc Trung Quốc đã xâm nhập hệ thống máy tính của chính phủ Mỹ và tấn công kho lưu trữ thông tin cá nhân của toàn bộ nhân viên liên bang hồi tháng 3 vừa qua.
Ngoài vấn đề an ninh mạng, Mỹ và Trung Quốc cũng bất đồng về cách giải quyết căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Ngoại trưởng John Kerry kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền cần hành động một cách kiềm chế và theo đuổi đường lối ngoại giao, hòa bình. Đáp lại, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì nói rằng Bắc Kinh sẽ "kiên quyết bảo vệ chủ quyền cũng như quyền và lợi ích trên biển".

Khối BRICS đã sẵn sàng thành lập một ngân hàng riêng

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Silouanov ngày 9/7 cho biết các nước trong nhóm BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã sẵn sàng ký kết thành lập ngân hàng phát triển của mình.
Sự kiện này sẽ diễn ra nhân Hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tuần tới ở Brazil.
Theo ông Silouanov, Ngân hàng Phát triển BRICS trong giai đoạn đầu sẽ có số vốn 10 tỷ USD, sau đó có thể tăng lên đến 100 tỷ USD. Ngân hàng này sẽ đặt trụ sở ở Thượng Hải (Trung Quốc) hoặc New Delhi (Ấn Độ)./.