Hy Lạp thông qua gói cải cách mới theo yêu cầu của các chủ nợ

Ngày 17/10, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua gói các biện pháp cải cách "thắt lưng buộc bụng" mới theo yêu cầu từ phía các chủ nợ quốc tế để đổi lấy khoản giải ngân tiếp theo trong gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ Euro (96 tỷ USD).

Dự luật cải cách có tác động quan trọng trên, trong đó tập trung vào việc tăng thuế và cắt giảm lương hưu, nhận được 154 phiếu ủng hộ và 140 phiếu chống trên tổng số 300 nghị sỹ Quốc hội Hy Lạp, sau một cuộc tranh cãi nảy lửa.

Việc thông qua dự luật cam kết tăng thuế, cắt giảm chi tiêu công sẽ giúp Hy Lạp đủ điều kiện được giải ngân khoảng 2 tỷ Euro (2,3 tỷ USD) trong gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ Euro trong vòng 3 năm - một yếu tố quan trọng cứu nước này tránh được nguy cơ phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế

Mới đây, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay từ mức 2,8% được đưa ra ba tháng trước đây xuống 2,7%, và trong năm tới từ mức 3,3% xuống còn 3,2% với lý do nhu cầu trong nước vẫn còn yếu và các yếu tố bên ngoài đang bất lợi.

Đây là lần thứ ba liên tiếp trong năm nay BoK phải hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á từ mức ban đầu là 3,4%, xuống 3,1% hồi tháng 4/2015 và 2,8% vào tháng 7/2015.

Thống đốc BoK Lee Ju-yeol cho rằng tình trạng tiêu thụ trong nước vẫn còn yếu cộng với việc xuất khẩu trong quý 3/2015 vừa qua còn trì trệ là nguyên nhân chính dẫn đến việc ngân hàng này quyết định hạ dự báo tăng trưởng kinh tế.

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ, tránh suy thoái kỹ thuật

Ngày 14/10, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS, tức ngân hàng trung ương) thông báo nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai trong năm nay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong thông báo về chính sách tiền tệ nửa năm một lần, MAS cho biết ngân hàng này tiếp tục duy trì chính sách nâng giá đồng nội tệ ở mức vừa phải và dần dần, song giảm nhẹ tỷ lệ nâng giá để hàng xuất khẩu của nước này cạnh tranh hơn trong bối cảnh các nước khác trong khu vực châu Á đã làm yếu đồng nội tệ.

Trước đó, tháng Một năm nay, MAS cũng đã giảm tỷ lệ nâng giá đồng đôla Singapore (SGD) nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đồng thời đảm bảo ổn định giá trong trung hạn.

Chính phủ Indonesia công bố gói kích thích kinh tế thứ tư

Chính phủ Indonesia vừa công bố gói chính sách kinh tế thứ tư. Đây là một phần của 5 gói kích thích kinh tế trong chiến dịch vực dậy nền kinh tế đang trong xu hướng giảm tốc. Ba gói kinh tế khác cũng đã được lần lượt đưa ra vào ba tháng trước đó.

Gói chính sách kinh tế thứ tư tập trung vào các nỗ lực nhằm tăng cường việc làm, sửa đổi các quy định về mức lương tối thiểu và giấy phép nhân lực; tăng cường các khoản vay vi mô và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ phát triển xuất khẩu.

Các doanh nghiệp nhỏ sẽ được hưởng lợi từ chính sách hạ lãi suất đối với các khoản tín dụng nhỏ từ 22% xuống còn 12%./.