Theo ông Min Liao, nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể phục hồi trong tương lai gần. Có khả năng cả thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khác trong 5 năm tới. Lý do là nhiều vấn đề trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Ông Liao cho biết, kinh tế toàn cầu dễ bị tổn thương trong bối cảnh hoạt động của ngân hàng ngầm, nợ công cao, thiếu cải cách về mặt cấu trúc và tính bền vững trong các thị trường mới nổi. Ông nhận định, cải cách mà các ngân hàng trung ương đã thông qua nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năm 2008 là vẫn chưa đủ để khôi phục nền kinh tế toàn cầu. Môi trường kém lành mạnh cũng khiến những cải cách về mặt cấu trúc bị trì hoãn và kỷ luật thị trường bị vi phạm.

Ông cũng kêu gọi thắt chặt các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế cho các tổ chức tài chính như ngân hàng ngầm, đây được xem là một mối đe dọa thực sự đối với nền kinh tế toàn cầu. Đơn cử như tại Trung Quốc, ngân hàng ngầm gồm những hoạt động cho vay tư nhân giữa các cá nhân, tiệm cầm đồ và hoạt động cho vay “cắt cổ” ở các thị trường mới nổi, hay những giao dịch phát sinh, các quỹ thị trường tiền tệ, cho vay chứng khoán, thỏa thuận mua lại giữa các định chế tài chính... Mặc dù rủi ro rất lớn, nhưng trong 5 năm qua hệ thống tín dụng bất hợp pháp này của Trung Quốc đã vận hành số tiền rất lớn tới hơn 17.000 tỷ Nhân dân tệ. Các “ngân hàng ngầm” không chỉ liên quan đến tội phạm về tiền tệ, thị trường chứng khoán, mà còn là hành lang, con đường để bọn tội phạm chuyển tiền do phạm tội mà có; trở thành công cụ để các phần tử tham nhũng rửa tiền, bọn khủng bố chuyển tiền. Một lượng khá lớn “nguồn vốn xám” đã bị chảy ra bên ngoài thông qua các “ngân hàng ngầm”, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng và đánh mạnh vào việc quản lý ngoại hối, mà còn gây nhiễu loạn nghiêm trọng trật tự thị trường tiền vốn quốc gia, gây nguy hại đến an toàn tiền tệ của đất nước.

"Gần đây, những biến động trong thị trường chứng khoán là minh chứng rõ nhất về những tác động xấu của ngân hàng ngầm. Đây cũng chính là mối quan tâm của Mỹ và châu Âu", ông giải thích.

Trước đó, trong tháng 9, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cũng nhận định, các nền kinh tế đang phát triển không chỉ đang trải qua một đợt suy thoái mới trên thị trường tài chính, mà có thể là đợt sóng thứ ba trong cục diện khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nguy cơ sụp đổ của thị trường tài chính đang yếu kém dần tại các nền kinh tế phát triển, cộng với giá hàng hóa, bao gồm dầu thô và kim loại quý, liên tục tụt dốc và khả năng lãi suất tiền gửi USD tăng trở lại, tất cả khiến cho nhà đầu tư lo ngại tài sản của họ tại các nước đang phát triển sẽ giảm giá trị. Điều này dẫn đến một đợt sóng khủng hoảng tài chính mới, chủ yếu diễn ra tại các nền kinh tế châu Á.

Nếu như thị trường địa ốc sụp đổ đánh dấu cuộc khủng hoảng tại Mỹ năm 2008, tiếp đến là cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu năm 2010, rất có khả năng thị trường hàng hóa suy sụp sẽ bắt đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính tại các nền kinh tế đang phát triển kể từ năm 2016. Mối lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gia tăng lãi suất lần đầu tiên trong chín năm qua sẽ tạo ra một làn sóng rút tiền đầu tư tại các nền kinh tế đang phát triển, chủ yếu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Dù sau cuộc họp vào tháng 9-2015, FED gây bất ngờ khi tiếp tục duy trì lãi suất ở mức hiện tại, nhưng nhiều chuyên gia vẫn dự báo đợt tăng lãi suất mới sẽ sớm xảy ra. Do đó, sự ổn định của thị trường tài chính – tiền tệ tại châu Á chỉ mang tính tạm thời, có khả năng đổ vỡ bất kỳ lúc nào.

Ngoài ra, một lý do khiến giới phân tích tại Goldman quan ngại nhất chính là tình hình lãi suất thấp tại châu Á trong thời gian qua, đặc biệt là tại Trung Quốc, đã tạo điều kiện gia tăng tín dụng và các khoản nợ xấu, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế một khi khủng hoảng xuất hiện. Một khi nợ xấu “bùng nổ”, sẽ cần thời gian dài để các nền kinh tế khắc phục với các cuộc cải cách kinh tế và thay đổi lãi suất./.

Tham khảo từ:

http://sputniknews.com/business/20151027/1029167245/new-global-financial-crisis.html

http://www.cnbc.com/2015/09/15/when-the-fed-raises-rates-heres-what-happens.html