WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014

Ngày 10/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ thấp các mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2014, đồng thời cho rằng sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển từ khởi đầu khó khăn trong năm nay sẽ giúp bù đắp tình trạng đình trệ ở các nước đang phát triển.

Cụ thể, WB hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 xuống còn 2,8% so với mức 3,2% đưa ra hồi tháng 1. Các nước thu nhập cao sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay, đạt 1,9% so với 1,3% của năm ngoái.
Trong khi đó, các nước đang phát triển chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 4,8%, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 5,3% trước đó. Đây là năm thứ ba liên tiếp WB đưa ra mức dự báo tăng trưởng dưới 5% ở nhóm nước đang phát triển, cho thấy kinh tế toàn cầu sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế bùng phát từ cuối năm 2008.
Riêng với nền kinh tế Trung Quốc, WB dự báo có thể đạt tăng trưởng 7,6% trong năm 2014, giảm 0,1% so với mức dự báo trước đó.

EU giải ngân 250 triệu Euro viện trợ đầu tiên cho Ukraine

Khoản tiền này được giải ngân theo thỏa thuận ký ngày 13/5 giữa các đại diện của Ủy ban châu Âu (EC) và Ukraine ở Brussels. EU nói trong một thông cáo báo chí ngày 13-6 rằng khoản giải ngân đầu tiên là để hỗ trợ chính phủ Ukraine đối phó với các vấn đề ngắn hạn.

Trước đó ngày 13-5, EU và Ukraine đã ký bản ghi nhớ hỗ trợ 1 tỉ Euri cho kinh tế vĩ mô của Ukraine, giúp nước này ổn định nền kinh tế.

Gói viện trợ nhắm vào mục đích hiện đại hóa hệ thống truyền tải khí đốt của Ukraine và các hỗ trợ kỹ thuật từ cải cách hệ thống tư pháp cho tới tổ chức các kỳ bầu cử, EC cho biết. Gói viện trợ cũng bao gồm hỗ trợ để đẩy nhanh quá trình miễn thị thực cho công dân Ukraine vào khối 28 nước EU.

Thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng mạnh trong tháng Năm

Ngày 11/6, Bộ Tài chính Mỹ cho biết thâm hụt ngân sách của nước này lại tăng mạnh trong tháng Năm, lên tới 130 tỷ USD. Như vậy, ngân sách Mỹ lại bị bội chi sau khi đạt mức thặng dư tới 106,9 tỷ USD trong tháng Tư nhờ doanh thu từ thuế tăng mạnh.

Tuy nhiên, mức thâm hụt ngân sách này vẫn thấp hơn so với mức 138,7 tỷ USD của tháng Năm năm ngoái.

Doanh thu từ thuế tính đến tháng Năm vừa qua đạt 1.930 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chi tiêu của chính phủ lên tới 2.370 tỷ USD, giảm 2,3%.

Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, nếu tính trong 8 tháng đầu năm tài chính 2014, tổng mức thâm hụt ngân sách của Mỹ là 436,4 tỷ USD, giảm 30% so với mức 626,3 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Nguyên nhân chính giúp giảm điều chỉnh thâm hụt ngân sách là việc áp dụng đạo luật chăm sóc sức khỏe mới sẽ giảm 165 tỷ US dành cho chi tiêu dành cho trợ cấp y tế.

Chính phủ Ấn Độ nỗ lực đưa “mùa Xuân” trở lại cho nền kinh tế

Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đã nêu quyết tâm phục hồi kinh tế làm “đòn bẩy” để giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hạ nghị viện khóa 16 và sau khi thành lập Chính phủ, Thủ tướng Narendra Modi cùng các cộng sự trong Nội các của ông đã ngay lập tức triển khai thực hiện cam kết này đối với cử tri.
Không có “chiếc đũa thần” nào để tân chính phủ Ấn Độ nhanh chóng đạt được mục tiêu đưa kinh tế Ấn Độ trở lại mức tăng trưởng kỳ diệu, song những biện pháp quyết liệt của chính phủ BJP đã phục hồi lòng tin của thị trường, giới đầu tư và người dân.
Các thị trường chứng khoán Ấn Độ liên tục tăng điểm, đồng Rupee ổn định ở mức dưới 60 rupee/1 USD so mức mức thấp kỷ lục xấp xỉ 69 rupee/1 USD hồi tháng 8/2013 là những dấu hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế Ấn Độ.

Nếu thành công trong mục tiêu kiềm chế lạm phát, phục hồi tăng trưởng, chính phủ Ấn Độ sẽ thành công trong việc đối phó với thách thức lớn nhất - đưa “mùa Xuân” đến cho nền kinh tế nước này.

Diễn đàn kinh tế Brussels: Chiến lược cho phát triển bền vững

Diễn đàn kinh tế Brussels 2014 đã diễn ra tại thủ đô Brussels vào ngày 10/6. Sự kiện thường niên này thu hút sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách về kinh tế, luật pháp, các nhà nghiên cứu, nhằm thảo luận và phân tích một cách sâu rộng những thách thức hiện nay của nền kinh tế EU. Với chủ đề “Duy trì sự phục hồi, chiến lược và chính sách cho sự tăng trưởng ổn định”, các đại biểu đã tập trung thảo luận về kinh nghiệm của các quốc gia thành viên thành công khi thoát khỏi suy thoái kinh tế và từng bước phát triển ổn định; tiềm năng phát triển kinh tế của châu Âu trong khuôn khổ nền kinh tế được toàn cầu hóa ; những đóng góp của khu vực tài chính châu Âu cho quá trình phục hồi kinh tế của EU.

Nhiều doanh nghiệp dược nước ngoài muốn rời khỏi Trung Quốc

Báo South China Morning Post của Hong Kong dẫn lời giới quản lý trong các doanh nghiệp này cho biết họ đang tìm đường rời khỏi Trung Quốc do lo sợ sẽ bị án tù sau khi chính quyền Bắc Kinh khởi tố ông Mark Reilly, cựu lãnh đạo Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) của Anh chi nhánh Trung Quốc. Năm 2013, GSK bị cáo buộc đã hối lộ giới y bác sĩ của Trung Quốc để mở rộng thị trường ở đây.

Họ cho rằng cảnh sát Trung Quốc đã khiến cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài bị sốc vì cách “xử lý bất ngờ” đối với một người nước ngoài như ông Reilly hồi tháng 5-2014. Hiện ông Reilly bị cấm đi khỏi Trung Quốc và có thể đối mặt với bản án tù hàng chục năm.

Do vậy, giới quản lý trong các doanh nghiệp dược nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc đang tìm cách rời khỏi nước này, hoặc tìm việc làm ở nước khác nhằm đối phó với chiến dịch chống tham nhũng trong lĩnh vực này./.