Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu đã được đại diện của 195 nước dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) chính thức thông qua vào khoảng 1h30p sáng 13/12 (giờ Hà Nội). Thỏa thuận đạt được sau 13 ngày đàm phán marathon căng thẳng nhất trong lịch sử của COP, 3 đêm cuối các đoàn đàm phán hầu như thức trắng đêm để làm việc.

Trong thời khắc đạt được thỏa thuận lịch sử, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon xúc động nói: “Lịch sử sẽ ghi nhớ ngày này... Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là một thành công vĩ đại cho hành tinh cũng như nhân loại của chúng ta”.

Các nhà lãnh đạo vui mừng trước thỏa thuận lịch sử

Thỏa thuận Paris cũng như kết quả của COP21 bao gồm tất cả những lĩnh vực quan trọng như giảm khí thải thật nhanh để có thể đạt được mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất tăng dưới 2 độ C, xây dựng hệ thống và chương trình hành động minh bạch để chống biến đổi khí hậu, tăng khả năng của mỗi nước chống lại những tác động của biến đổi khí hậu, tăng khả năng phục hồi do tác động của biến đổi khí hậu và đóng góp tài chính để các nước có thể xây dựng tương lai xanh. Và đây cũng là lần đầu tiên, thế giới thống nhất là đặt mục tiêu đạt sự cân bằng giữa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hấp thụ từ rừng hay biển vào giữa thế kỷ này.

Cùng với việc xác định phương hướng hành động dài hạn, các nước sẽ đạt đỉnh phát thải khí càng sớm càng tốt và tiếp tục đưa ra các kế hoạch hành động quốc gia với những mục tiêu cụ thể trong thời gian tới để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Một trong những nỗ lực quốc gia đáng ghi nhận nhất là có tới 188 nước đưa ra kế hoạch hành động quốc gia tại COP21, theo đó sẽ giảm đáng kể khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Thỏa thuận mới cũng thiết lập một nguyên tắc là các kế hoạch hành động quốc gia trong tương lai sẽ không thể ít tham vọng hơn bây giờ, do đó sẽ tạo nền tảng vững chắc cho những mục tiêu sắp tới. Các nước sẽ đưa ra các kế hoạch chống biến đổi khí hậu có điều chỉnh hợp lý hơn trong thời hạn năm năm một lần. Từ nay cho tới 2020, các nước sẽ cùng tham gia những chương trình giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời xây dựng một lộ trình rõ ràng để đóng góp vào quỹ 100 tỷ. Vấn đề này được đánh giá qua hệ thống theo dõi và xem xét minh bạch đối với hành động cũng như khả năng khác nhau của từng quốc gia. Thỏa thuận Paris cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ tới hàng nghìn thành phố, khu vực cùng các doanh nghiệp và người dân trên khắp thế giới đã cam kết hành động chống biến đổi khí hậu rằng, tầm nhìn của họ về một tương lai có ít nguy cơ và khí thải thấp giờ đã trở thành sự nghiệp chung đối với nhân loại trong thế kỷ này.

Thỏa thuận Paris có đề cập tới việc hỗ trợ các nước đang phát triển và xây dựng một mục tiêu toàn cầu để tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu thông qua sự hỗ trợ và hợp tác quốc tế. Những nỗ lực đầy tham vọng và phổ biến ở các nước đang phát triển nhằm xây dựng tương lai trong lành, thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục được các nước phát triển hỗ trợ về mặt tài chính ở mức cao hơn.

Chính phủ các nước đã quyết định là sẽ cùng xây dựng một lộ trình cụ thể để đóng góp đủ 100 tỷ USD vào năm 2020, đồng thời xây dựng một mục tiêu đóng góp mới trước năm 2025 tính từ mức này. Tại COP21, hàng loạt nước phát triển và các tổ chức tài chính đã công bố mức tài trợ hàng trăm tỷ v cho những nước dễ bị tổn thương nhất thực hiện chương trình và dự án về giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu từ nay cho tới 2020. Thỏa thuận mới cũng đề cập rõ đến sự hợp tác quốc tế về phát triển các công nghệ thân thiện môi trường và xây dựng khả năng chống biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển.

Thỏa thuận Paris sẽ được lưu tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York và để mở trong vòng một năm cho các bên tham gia bắt đầu ký từ ngày 22-4-2016, Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực ngay sau khi 55 nước, chiếm 55% lượng khí thải, phê chuẩn./.