Ngày 15/12, Fed đã bắt đầu cuộc họp kéo dài hai ngày nhằm cân nhắc khả năng nâng lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục được áp dụng cách đây hơn 7 năm qua.

Với việc kinh tế Mỹ tăng trưởng đều đặn ở mức khiêm tốn nhất, dự kiến Fed sẽ đưa ra kết luận rằng đã đến lúc ngừng áp dụng tỷ lệ lãi suất ở mức gần 0%, vốn đã giúp duy trì sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau cuộc đại suy thoái từ năm 2008-2009.

Sự ổn định của thị trường việc làm, mặc dù chi tiêu tiêu dùng và hoạt động của thị trường nhà đất chậm hơn, có thể tạo cơ sở để Fed nâng lãi suất tại cuộc họp trong hai ngày 15-16/12 sắp tới. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của nước này là 282.000 trong tuần kết thúc ngày 5/12, tăng 13.000 so với tuần trước đó, nhưng có thể không phải là dấu hiệu của việc thị trường việc làm xấu đi, khi xu hướng cơ bản vẫn cho thấy việc làm được đảm bảo. Bởi, con số này dưới ngưỡng 300.000 trong 40 tuần liên tiếp thì vẫn được coi là lành mạnh.

Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ cũng cho biết, giá nhập khẩu giảm 0,4% trong tháng 11, sau khi giảm 0,3% trong tháng 10, do giá xăng và một số mặt hàng tiếp tục giảm, cho thấy giá dầu thô giảm và đồng USD mạnh sẽ tiếp tục gây sức ép giữ lạm phát giá nhập khẩu ở mức thấp. Nhưng có hy vọng với sự vững vàng của thị trường việc làm, sức ép giá cả thấp sẽ không thể ngăn cản Fed tăng lãi suất.

Chủ tịch Fed Janet Yellen

Trong phiên điều trần tại Ủy ban Kinh tế chung thuộc Quốc hội Mỹ hôm 2/12, Chủ tịch Fed Janet Yellen đã nhận định các điều kiện kinh tế trong nước đã đủ mạnh để có thể bắt đầu nâng lãi suất trong tháng này. Bà Yellen cho rằng, việc thị trường lao động tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khả quan, tiêu dùng nội địa vẫn ổn định và đang tăng trưởng khoảng 3% cho thấy không có yếu tố nào cản trở khả năng Fed sẽ chấm dứt khoảng thời gian liên tục gần 7 năm giữ mức lãi suất gần bằng 0% kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.

Hầu hết các nhà kinh tế tin rằng, lãi suất sẽ được nâng thêm 0,25 điểm phần trăm, từ mức 0-0,25% hiện nay. Động thái này sẽ khởi đầu cho một loạt lần tăng dần lãi suất để bình thường hóa chính sách tiền tệ trong hai năm tới. Tuy nhiên, lãi suất tăng có nghĩa chi phí vay mượn sẽ tăng lên đối với chính phủ các nước khác, các doanh nghiệp cũng như người mua nhà hay mua xe, trong khi người gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng được lợi hơn.

Phản ứng trước khả năng xảy ra thay đổi mang tính bước ngoặt này, hôm qua, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã tăng khoảng 1% và lợi suất trái phiếu cũng nhích lên. Các nhà phân tích tài chính cho biết, sau tuyên bố tăng lãi suất, thì trong những ngày tiếp theo, Cục Dữ trữ liên bang Mỹ sẽ phải chứng minh tính hiệu quả của các biện pháp đi kèm, đánh giá lãi suất tăng sẽ tác động như thế nào đối với tình hình tài chính trong nước và thế giới.

Tuy vậy, một số nhà kinh tế có ý kiến trái chiều khi cho rằng kinh tế Mỹ vẫn chưa sẵn sàng cho việc thắt chặt chính sách tiền tệ và không có lý do thuyết phục cho việc tăng lãi suất. Fed được cho là sẽ chờ thêm một thời gian trước khi nâng lãi suất, bởi lạm phát vẫn quá thấp, trong bối cảnh giá dầu và các hàng hóa khác giảm.

Ông Andrew Levin thuộc Đại học Dartmouth nhận định, Fed đang hành động quá sớm, khi nền kinh tế chưa trở lại bình thường, lạm phát vẫn chưa đạt mục tiêu và hàng triệu người thất nghiệp đã thôi không tìm kiếm việc làm, dù tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp là 5%.

Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, sẽ thông báo quyết định vào lúc 2 giờ chiều ngày 17/12 (theo giờ Mỹ), cùng với các dự báo về tăng trưởng, lạm phát và lãi suất trong hai năm tới. Điều đang được chú ý là cuộc họp báo của bà Yellen để biết đánh giá của bà về tình hình nền kinh tế và kế hoạch tăng lãi suất trong tương lai./.