Cộng đồng quốc tế thật sự quan ngại về những hành động nguy hiểm và làm leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông, sau vụ nước này đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) vào vùng biển Việt Nam.

Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, vào tối ngày 24/5, trong lúc đang khai thác hải sản tại ngư trường Vịnh Bắc Bộ (Hải Phòng), tàu cá mang số hiệu QNg 96180-TS do ngư dân Đặng Phê (34 tuổi, ngụ ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) làm thuyền trưởng cùng 7 ngư dân, bất ngờ bị một tàu “lạ” loại vỏ sắt, màu xám cố tình đâm chìm. Cú đâm khiến tàu cá Lý Sơn bị vỡ nát và chìm ngay xuống biển.

Trong một diễn biến khác, theo báo cáo của ngư dân và Hội Nghề cá Đà Nẵng: Lúc 16h ngày 26/5/2014, tàu cá ĐNa – 90152 TS công suất 450 CV của ngư dân Huỳnh Thị Như Hoa trú tại quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng đã bị tàu vỏ sắt giả danh tàu cá số 11209 của Trung Quốc truy đuổi, đâm chìm. Nhờ tổ chức khai thác theo tổ, đội nên tàu cá ĐNa – 90152 TS được ứng cứu kịp thời, thuyền trưởng và 9 thuyền viên trên tàu cá được cứu.

Mặc dù không ai bị thương, nhưng toàn bộ con tàu bao gồm tài sản, ngư lưới cụ và hải sản đánh bắt trị giá 5 tỷ đồng đã bị đắm.

Vụ đâm tàu xảy ra cách giàn khoan của Trung Quốc 17 hải lý, ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa.

Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối những hành động sai trái, ngang ngược, vô nhân đạo, gây nguy hiểm cho ngư dân Việt Nam từ phía Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho ngư dân với tổng trị giá tài sản là 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Tân Hoa Xã lại ngang nhiên đưa tin rằng việc chìm tàu là do “quấy rối và va chạm” tàu Trung Quốc. Đây không phải là thông tin phản bác xuyên tạc của Trung Quốc.

Trước đó, khi Việt Nam phát sóng đoạn video về việc tàu Trung Quốc đâm và sử dụng vòi rồng tấn công bất cứ tàu nào ngăn chặn họ hạ đặt giàn khoan trên biển, thì Trung Quốc lại cáo buộc tàu Việt Nam tấn công vào tàu của họ.

Về vụ việc này, chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore cho biết, chuyện đó không có gì mới. Vì trước đây, đã có vài cuộc đụng độ bạo lực, như vụ sĩ quan hải quân Trung Quốc bắn chết công dân Việt Nam vào năm 2005 trên Vịnh Bắc Bộ. Và, lý do cho hành động này của họ là nhằm bảo vệ ngư dân nước mình.

Ông nói: “Tôi không nghĩ hai bên muốn đẩy diễn biến vào một cuộc đối đầu quân sự”.

Trung Quốc tuyên bố giàn khoan sẽ được sử dụng đến tháng 8 và sau đó sẽ thu hồi giàn khoan vì chi phí hoạt động của nó quá tốn.

“Đây không phải hoạt động thương mại, họ đang gửi một thông điệp chính trị rất tốn kém ước tính 300.000 USD mỗi ngày để giàn khoan hoạt động, chưa kể chi phí của các tàu khác nữa”, Ian Storey nói.

Trong khi đó, Việt Nam đang thu thập các chứng cứ pháp lý để chống lại hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc. Philippines cũng đã sử dụng một biện pháp tương tự để chống lại Trung Quốc.

Ông Storey cho rằng, nếu Việt Nam kiện Trung Quốc, Tòa án quốc tế về Luật Biển có thể đưa ra quyết định sơ bộ tạm ngừng hoạt động của giàn khoan trong một vài tuần.

Tuy nhiên, ông cũng dự đoán: “ Tôi đoán Trung Quốc sẽ phớt lờ điều này và lập luận rằng Tòa không có thẩm quyền”.

Hôm thứ Ba vừa rồi, Tổng thống Philippine ông Benigno Aquino III đã phát biểu rằng, đất nước ông đang theo dõi tình hình Việt-Trung.

Ông cũng tiết lộ, Philippines đã được trang bị phương tiện giám sát và thông tin liên lạc để chống lại bất cứ cuộc xâm lược lãnh thổ nào.

Trong một cuộc họp báo diễn ra tại Nhật Bản ngày 27/5, Bộ trưởng quốc phòng Onodera, khi được hỏi về phản ứng trước tình hình tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam, đã nhấn mạnh: “Vụ việc này là một vấn đề rất nghiêm trọng”.

Onodera nói: “Cộng đồng quốc tế, bao gồm cả chính quyền Việt Nam, cần điều tra động cơ phía sau các ngư dân Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam và các chứng cứ liên quan đến vụ việc”./.

Nguồn tổng hợp

http://www.theguardian.com/world/2014/may/27/vietnam-china-accusations-sinking-fishing-boat

http://bigstory.ap.org/article/vietnam-accuses-china-sinking-fishing-boat-0

http://www.mod.go.jp/e/pressconf/2014/05/140527.html