Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể WEF Đông Á 2014

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á tại Manila từ ngày 21-23/5

WEF năm nay đón hơn 600 đại biểu, bao gồm lãnh đạo nước chủ nhà Philippines, lãnh đạo các nước Indonesia, Myanmar… cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), và lãnh đạo nhiều tập đoàn quốc tế hàng đầu.

Năm 2014, hội nghị WEF Đông Á có chủ đề "Thúc đẩy sự tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều." Các nội dung thảo luận chính của Hội nghị tập trung vào tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều, thúc đẩy các mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển bền vững và nhận diện kết nối khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể WEF Đông Á 2014; phiên thảo luận “Thúc đẩy cộng đồng kinh tế ASEAN thông qua tăng cường phối hợp công-tư”; phiên đối thoại với các doanh nghiệp quốc tế tham dự Hội nghị.

Sự tham dự và các phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được quan tâm và hưởng ứng của đông đảo đại biểu tại Diễn đàn.

Tại phiên khai mạc, Thủ tướng đã lưu ý về tình hình đặc biệt nghiêm trọng đang diễn ra ở Biển Đông; khẳng định Việt Nam luôn mong muốn hòa bình hữu nghị, luôn hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí và sử dụng mọi kênh đối thoại để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên, cho đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục sử dụng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và kêu gọi ASEAN, các nước và bạn bè trên thế giới tiếp tục ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh sự đoàn kết hợp tác của cộng đồng quốc tế là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế.

Nga, Trung ký hợp đồng mua bán khí đốt hơn 400 tỷ USD

Tập đoàn khí đốt quốc gia Nga Gazprom (Nga) và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) vừa đạt thỏa thuận mua bán khí đốt tự nhiên trong vòng 30 năm trị giá hơn 400 tỷ USD.

Theo đó, Gazprom sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ m3 khí đốt mỗi năm trong vòng 30 năm. Giá trị hợp đồng chưa được tiết lộ. Theo Reuters, hợp đồng này được định giá hơn 400 tỷ USD.

Hợp đồng khí đốt này đã được ký kết sau hơn 10 năm đàm phán vì bất đồng giá cả. Nó sẽ cho phép Gazprom phát triển các mỏ khí khổng lồ tại đông Siberia. Những mỏ này nằm khá xa so với thị trường châu Âu hiện tại.

Kinh tế Thái Lan suy giảm 0,6% do khủng khoảng chính trị

AFP đưa tin số liệu thống kê được công bố ngày 19/5 cho thấy nền kinh tế Thái Lan trong quý 1 đã suy giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình trạng này xảy ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị dai dẳng ở nước này đã làm khủng hoảng lòng tin của người tiêu dùng và khiến du khách lo sợ.

Đây là lần đầu tiên Thái Lan chứng kiến cảnh suy giảm kinh tế kể từ quý 4 của năm 2011 tới nay.

Trước đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings của Mỹ đã cảnh báo rằng chỉ số tín nhiệm "BBB+" của Thái Lan có thể bị hạ bậc nếu tình trạng bế tắc chính trị hiện nay tiếp tục kéo dài sang nửa cuối của năm nay.

Bong bóng tài chính Trung Quốc đe dọa thế giới

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF đã đưa ra lời cảnh báo đối với tình hình cho vay cá nhân của Bắc Kinh khi cho biết hệ thống tài chính nước này đang ngày càng dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết, đặc biệt khi hệ thống cho vay “không lành mạnh” đã bằng 1/4 GDP cả nước. Ngoài ra, trong năm năm qua, tình hình nợ vay bằng thẻ tín dụng đã tăng từ 130% (2008) lên 200% (2013), gian lận trong việc cho vay giữa ngân hàng và chính quyền địa phương đã góp phần tạo nên quả bóng tài chính hiện tại, khiến giá cả nhà đất tại Trung Quốc đội lên gấp đôi.

Nguồn gốc của mối lo âu bắt đầu từ chính sách tín dụng không giới hạn của các ngân hàng Trung Quốc kể từ khi được chính phủ khuyến khích cho vay trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 nhằm tăng cường phát triển kinh tế. Hầu hết các ngân hàng quốc doanh lớn nhỏ của nước này đều cấp tín dụng xây nhà, cơ sở hạ tầng đường sắt và cao ốc văn phòng, nhưng phần lớn số tiền cho vay đều đổ vào túi các quan chức địa phương hơn là đáp ứng các nhu cầu kinh doanh thực sự.

Nếu những gì đã từng xảy ra tại Mỹ năm 2007 được xem là kịch bản chuẩn, thì trong tương lai gần, một khi có quá ít người hoặc doanh nghiệp sẵn sàng mua bất động sản tại Trung Quốc vì giá quá cao, giá cả tự động sẽ sụt xuống dẫn đến tình trạng đổ nợ hàng loạt của các chủ dự án. Theo đó, các ngân hàng sẽ phải hạn chế cho vay, dẫn đến kinh tế tăng trưởng chậm.

Lúc đó, chính quyền Bắc Kinh buộc phải nhảy vào hỗ trợ các ngân hàng hay công ty quốc doanh bằng các gói viện trợ kinh tế, dẫn đến khả năng lạm phát tăng cao, niềm tin người tiêu dùng sa sút và giới đầu tư nước ngoài rút lui. Kết quả là Trung Quốc sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng chậm hơn bao giờ hết và thế giới cũng sẽ chịu ảnh hưởng, đầu tiên phải kể đến những quốc gia xuất khẩu nguyên liệu thô vào Trung Quốc bao gồm Canada, Brazil, Indonesia và Úc.

EU kiện Nga về mức thuế chống phá giá với ôtô nhập khẩu

Ngày 21/5, Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành thủ tục khởi kiện Nga lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về mức thuế chống bán phá giá mà nước này áp dụng đối với các sản phẩm ôtô nhập khẩu từ Đức và Italy./.

Đại diện EU khẳng định mức thuế chống bán phá giá từ 23-29,6% mà Nga áp dụng đối với xe thương mại hạng nhẹ (LCVs) nhập khẩu từ Đức và Italy là "không phù hợp" với các quy định của WTO và cản trở các doanh nghiệp EU tiếp cận thị trường nước này.