1. FED tăng lãi suất sau gần 1 thập kỷ

Ngày 16/12, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sau hai ngày nhóm họp đã quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 0-0,25% lên 0,25%-0,5%. Đây là lần đầu tiên FED tăng lãi suất sau gần một thập kỷ.

Là nền kinh tế lớn nhất thế giới, những gì xảy ra ở Mỹ gây tác động tới nhiều nơi ở khắp thế giới. Dù lãi suất FED quy định là lãi suất mà các ngân hàng Mỹ thanh toán cho nhau cho các khoản vay qua đêm, nó lại đặt cơ sở cho lãi suất dài hạn trên khắp hệ thống tài chính toàn cầu từ các khoản vay mua nhà và xe hơi đến các khoản vay dành cho doanh nghiệp và nợ quốc gia.

Các chủ sở hữu nhà có thế chấp hoặc các doanh nghiệp mắc nợ sẽ cần phải tính đến chi phí trả nợ cao hơn. Về mặt tích cực, những người tiết kiệm bao năm qua nhận được lãi suất huy động rất thấp có thể sẽ được đền bù tốt hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc Mỹ tăng lãi suất có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi. Lãi suất đồng USD cao hơn có thể khuyến khích dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường này do giới đầu tư quay trở lại thị trường Mỹ với hy vọng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Các nước có thể cũng phải trả nhiều hơn cho những khoản nợ vay bằng USD.

3. Đồng Nhân dân tệ vào giỏ tiền quốc tế

Ngày 30/11, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã tuyên bố đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đủ điều điều kiện để đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, còn được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).

Quyết định này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2016. Theo đó, Nhân dân tệ chiếm tỷ trọng 10,92%. Tỷ trọng của USD là 41,73%, Euro là 30,98%, Yen Nhật là 8,33% và Bảng Anh là 8,09%.

Đây là lần đầu tiên các thành phần của SDR thay đổi kể từ năm 1999, khi Euro thay thế Mark Đức và Franc Pháp trong rổ này. Đây cũng là một bước ngoặt lớn đối với vị thế của đồng Nhân dân tệ trên thị trường tài chính quốc tế.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác liên quan đến đồng tiền này, trong năm vừa qua, Trung Quốc đã có nhiều quyết định phá giá đồng tệ.

Mở đầu là ngày 11/8, Trung Quốc đã chính thức tuyên bố phá giá Nhân dân tệ 1,9%, sau đó đồng tiền này đã giảm 3% trong 3 phiên liên tiếp, giảm 4,6 % so với đồng USD. Hành động kích thích này Trung Quốc khiến Nhân dân tệ có cú sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1994. Tiếp đó, trong tháng 12, trong các ngày 12 và 14/12, Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ của nước này.

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố, Trung Quốc cần thả lỏng Nhân dân tệ để tiến tới tự do hóa và cũng để phục hồi xuất khẩu. Tuy vậy, việc phá giá đồng Nhân dân tệ đã gợi lại những quan ngại rằng phải mất rất lâu nữa Bắc Kinh mới làm mới được nền kinh tế để tạo sự tăng trưởng cân bằng hơn, dựa trên những nhu cầu tiêu thụ nội địa mạnh mẽ hơn.

3. Kết thúc đàm phán TPP

Sau hơn 5 năm đàm phán tích cực, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 thành viên đã chính thức ký kết vào ngày 5/10. Được xem là hiệp định của thế kỷ, TPP quy tụ các quốc gia đang nắm giữ tới 40% GDP toàn cầu, và có thể giúp kinh tế toàn cầu gia tăng thêm 300 tỷ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, TPP chỉ thành hiện thực khi Quốc hội các nước thành viên thông qua và quá trình này cần ít nhất 18-24 tháng. Cùng với lộ trình cam kết của các nước, phải mất 4-5 năm, các tác động tích cực lẫn thách thức của TPP lên nền kinh tế mỗi nước mới thật sự rõ ràng.

4. Giá dầu lao dốc không phanh

Năm vừa qua, giá dầu đã hứng chịu những đợt biến động mạnh chưa từng thấy trong gần 10 năm trở lại đây. Nếu đầu năm 2015, giá dầu còn neo ở ngưỡng khoảng 60 USD/thùng thì vào những ngày cuối năm, giá dầu đã “rớt” xuống gần mức thấp kỷ lục của năm 2008, giao dịch quanh mốc dưới 40 USD/thùng và đang làm dấy lên những lo ngại có thể rơi về mức 20USD/thùng.

Nguyên nhân quan trọng nhất khiến giá dầu mỏ lao dốc chính là quyết định không giảm sản lượng khai thác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong cuộc họp mới nhất. Cùng với đó là thông tin không mấy lạc quan từ các báo cáo hàng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong đó cảnh báo về tình trạng nguồn cung tiếp tục dư thừa và nhu cầu tiêu thụ yếu.

Giá dầu sụt giảm đã tác động mạnh đến thị trường tài chính thế giới. Giá các cổ phiếu thuộc nhóm năng lượng trên toàn cầu đồng loạt sụt giảm, chứng khoán của các tập đoàn xăng dầu lớn toàn cầu như Chevron và ExxonMobil cũng như hàng loạt các ông lớn trong các lĩnh vực khác cùng mất giá. Đặc biệt, các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn đang phải hứng chịu những thiệt hại kinh tế nặng nề từ sự mất giá của “vàng đen”.

Với cú sốc giá dầu, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 1,22% trong quý IV/2015 và giảm 0,68% trong năm 2016.

5. Cuộc chiến "lệnh trừng phạt" giữa Nga và phương Tây

Năm vừa qua, những gói trừng phạt mới với Nga vẫn tiếp tục được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và châu Âu giận dữ trước sự ủng hộ của Điện Kremlin đối với phe nổi dậy ở Ukraine, tiếp đó là sự can thiệp của Nga vào tình hình Syria. Tuy nhiên, Nga có phải là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của các biện pháp trừng phạt này hay không lại là một câu hỏi không dễ trả lời khi hơn 45% tổng lượng xuất khẩu của Nga là sang Liên minh châu Âu (EU). Ngược lại, chỉ chưa đầy 3% xuất khẩu của châu Âu được đưa vào Nga.

Không thể phủ nhận, những đòn trừng phạt của phương Tây đã đẩy kinh tế Nga vào khốn khó chưa từng thấy. Ngày 19/10, chính quyền Nga thừa nhận nền kinh tế nước này tăng trưởng âm 4,3% trong quý III/2015 do giá dầu thô sụt giảm và cấm vận phương Tây. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm nước này mất tới 100 tỷ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, Đức, Pháp, các nước khác trong EU như Na Uy, Thụy Điển… cũng thiệt hại nặng nề do các biện pháp trả đũa của Nga. Trong những tháng đầu năm 2015, xuất khẩu của Đức sụt giảm 30% so với cùng kỳ hai năm trước đó. Ngành kinh tế trang trại của Đức cũng thua lỗ 800 triệu Euro vì các lệnh cấm vận nhằm vào Nga. Ngành công nghiệp chế biến thủy sản của Na-uy sụt giảm nghiêm trọng, mất 11% lợi nhuận từ doanh thu bán cá. Kinh tế Thụy Điển lỗ 173 triệu USD do các lệnh cấm vận này… Chưa kể, đáp lại các đòn trừng phạt của phương Tây, Moscow còn giang tay đón thêm nhiều đối tác mới, xây dựng các liên minh kinh tế với Trung Quốc, các nước châu Á và Trung Đông…

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thế giới, cuộc chiến “lệnh cấm vận” đã không mang lại chiến thắng cho bất cứ bên nào./.