Kinh tế thế giới 2016 sẽ "khá thất vọng"

Trong bài viết đăng trên nhật báo Handelsblatt của Đức số ra ngày 30/12, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde dự đoán triển vọng phát triển kinh tế thế giới năm 2016 sẽ “khá thất vọng.”

Theo đó, bà Largarde cho rằng tại nhiều quốc gia, ngành tài chính sẽ vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu trong khi nguy cơ tài chính sẽ tiếp tục gia tăng tại các thị trường mới nổi. Những điều này đồng nghĩa với việc triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ “khá thất vọng” và không đồng đều trong năm tới.

Bà Lagarde đánh giá, trong hiện tại khả năng phát triển kinh tế đang bị kìm hãm bởi những yếu tố như năng suất thấp, dân số ngày càng già đi và những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kéo theo triển vọng kinh tế trung hạn cũng bị suy yếu.

Bên cạnh đó, những triển vọng chưa rõ ràng từ việc Mỹ nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006 và sự chững lại của nền kinh tế thứ hai thế giới là Trung Quốc cũng góp phần tạo ra “sự thiếu chắc chắn” về triển vọng phát triển cũng như những nguy cơ bất ổn đối với nền kinh tế toàn cầu.

Kinh tế Nga có nguy cơ tiếp tục suy thoái trong năm 2016

Theo nhận định ngày 30/12 của tờ Thời báo Tài chính (Anh), nền kinh tế Nga có nguy cơ tiếp tục lâm vào tình trạng suy thoái trong năm 2016 do giá dầu thô trên thị trường thế giới ngày càng sụt giảm.

Tại phiên giao dịch ngày 30/12, đồng ruble của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm qua so với đồng USD của Mỹ (73,1570 rouble/USD). Tính từ đầu năm 2015 đến nay, đồng ruble đã giảm giá 26% so với đồng USD.

Do tác động tiêu cực của việc giá dầu thô giảm cộng với lệnh trừng phạt, cấm vận của phương Tây, nên tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế Nga có thể chỉ dừng ở mức 3,7% năm 2015.

Thực tế này trái ngược với những tuyên bố của giới chức Nga rằng tình hình đang được bình ổn và "khủng hoảng đã qua đỉnh điểm."

Giới chức EU hối thúc cùng Nga dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình "Dozhd" của Nga ngày 30/12, Đại sứ EU tại Nga Vygaudas Usackas nhấn mạnh là những đối tác kinh tế quan trọng của nhau, hai bên đều quan tâm tới việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt lẫn nhau và hướng tới bình thường hóa quan hệ.

Nhà ngoại giao EU cho rằng đánh giá tổng quan mối quan hệ giữa EU và Nga, rõ ràng phần lợi ích chiếm ưu thế so với những bất đồng. Ông Usackas cho rằng quan hệ thương mại song phương hiện là "quan trọng nhất" và 5% vốn đầu tư nước ngoài tại Nga đến từ các nước thành viên EU.

Liên quan tới vấn đề cung cấp dầu mỏ và khí đốt, Đại sứ Usackas nhấn mạnh Nga và EU là những đối tác thân thiết. Mặc dù EU đang phát triển Liên minh Năng lượng và quan tâm tới các nguồn năng lượng khác nhau, nhưng tất cả những hành động này không nhằm mục đích chống lại Moskva hay Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga mà là vì nhu cầu người tiêu dùng của liên minh.

Trung Quốc cập nhật khung chính sách để ngăn rủi ro tài chính

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) vừa cho biết sẽ cập nhật khung chính sách vĩ mô thận trọng nhằm hạn chế rủi ro tài chính mang tính hệ thống. Theo thông báo của PboC, cơ chế mới sẽ cân nhắc 7 khía cạnh khi đánh giá hệ thống tài chính để ngăn chặn rủi ro mang tính hệ thống và cải thiện sự điều chỉnh không theo chu kỳ. Tỷ lệ vốn tối thiểu, căn cứ chính để đánh giá khả năng ứng phó rủi ro khoản vay của ngân hàng, sẽ là yếu tố cốt lõi trong quá trình đánh giá.

Ngoài các khoản vay, các tài sản khác, bao gồm các khoản đầu tư vào trái phiếu và cổ phiếu, sẽ được bổ sung vào danh sách đánh giá của PboC đối với các tổ chức tài chính, một động thái nhằm ngăn chặn việc chuyển nhượng tài sản để tránh bị kiểm soát tín dụng.

Cơ chế mới cũng sẽ giám sát đối với việc áp đặt lãi suất phi lý để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh./.