Đã sẵn sàng hoạt động

AIIB chính thức đi vào hoạt động sau Lễ Khai trương, với việc tiến hành Đại hội thành lập Ban Giám đốc, Hội đồng Quản trị, bầu ra Chủ tịch và các chức danh quản lý khác theo khu vực, xem xét thông qua các văn kiện chính sách quan trọng như nghiệp vụ, tài chính và nhân sự.

Theo thông lệ, AIIB cũng được quản lý theo ba nấc gồm Ban Giám đốc, Hội đồng quản trị và Tầng quản lý. Trong đó mọi quyền lực của ngân hàng đều thuộc về Ban giám đốc, mỗi nước thành viên đều cần có một đại diện. Ban này tiến hành họp thường niên. Hội đồng quản trị gồm 12 thành viên, họp định kỳ. Cuối cùng là Tầng quản lý, bộ phận chịu trách nhiệm quản lý và vận hành ngân hàng thường ngày. Ông Kim Lập Quần, cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã được bổ nhiệm làm chủ tịch đầu tiên của AIIB.

Tính đến ngày 25/12/2015, đã có 17 thành viên sáng lập phê chuẩn Hiệp định AIIB, chiếm 50,1% tỷ lệ góp vốn, đáp ứng điều kiện có hiệu lực của Hiệp định, bao gồm: Myanmar, Singapore, Brunei, Australia, Trung Quốc, Mông Cổ, Áo, Anh, New Zealand, Luxemburg, Hàn Quốc, Georgia, Hà Lan, Đức, Na Uy, Pakistan, và Jordan. Nhiều thành viên sáng lập trong tương lai cũng sẽ phê duyệt AOA và gửi đến Bắc Kinh trong thời gian tới.

Các điều khoản thỏa thuận cũng quy định về hoạch định chính sách, cơ cấu quản lý, hệ thống kinh doanh và hoạt động của ngân hàng này. Hội nghị cũng thông qua quyết định thành lập và quy chế hoạt động của ngân hàng có vốn điều lệ 100 tỷ USD và vốn đăng ký ban đầu dự kiến khoảng 50 tỷ USD. Theo đó, mỗi thành viên sáng lập của AIIB sẽ được phân phối hạn ngạch cổ phần dựa trên quy mô nền kinh tế của nước đó. Hiện Trung Quốc, Ấn Độ và Nga là 3 cổ đông lớn nhất của AIIB, đóng góp lần lượt 30,34%, 8,52% và 6,66% vốn cơ bản. Bắc Kinh giành quyền biểu quyết lớn nhất với 26,6%.

AIIB đã trở thành một trong những thành công chính sách đối ngoại lớn nhất của Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của Washington, đồng minh lớn của Mỹ như Úc, Anh, Đức, Ý, Philippines và Hàn Quốc đã tham gia vào ngân hàng này.

Ngân hàng đặt trụ sở tại Bắc Kinh, cung cấp tài chính cho các hoạt động xây dựng đường bộ, đường sắt, nhà máy điện và các mạng lưới viễn thông cần thiết cho sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực. Dự kiến, AIIB sẽ cung cấp các khoản cho vay đối với các dự án đầu tư đầu tiên vào giữa năm 2016.

Ngân hàng này được cho là đối thủ của Ngân hàng Thế giới (WB) và ADB. Mỹ và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba thế giới, đều đã từ chối tham gia AIIB.

Tác động tích cực đến Việt Nam

Việt Nam tham gia làm thành viên sáng lập của AIIB là phù hợp với chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về việc chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước với vai trò là cơ quan đầu mối của Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, đề xuất các phương án đàm phán tối ưu, đảm bảo tối đa lợi ích của Việt Nam , phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chúng ta đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và khu vực. Trong quá trình đàm phán, Việt Nam cùng các nước thành viên luôn hướng tới xây dựng ngân hàng này thành một tổ chức tài chính quốc tế minh bạch, hiệu quả, hoạt động trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế”.

Tham gia AIIB, chúng ta có điều kiện khai thác thêm một nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng của đất nước. Mặt khác, tham gia với tư cách là cổ đông sáng lập, Việt Nam có thêm nhiều quyền ưu đãi, bao gồm quyền tham gia việc hoạch định và xây dựng chính sách của ngân hàng này ngay từ đầu và trong suốt quá trình hoạt động của ngân hàng, từ đó thể hiện được vai trò, vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong Ngân hàng này./.