WEF cảnh báo những rủi ro với kinh tế toàn cầu từ thiên tai

Theo Báo cáo về rủi ro toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một loạt rủi ro, từ thiên tai đến biến đổi khí hậu và sự nổi lên của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, cùng các cuộc tấn công mạng đang ngày càng phức tạp.

Báo cáo trên được công bố ngày 14/1, trước thềm hội nghị của WEF tại Davos vào tuần tới, cho thấy nguy cơ thất bại trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu có thể là rủi ro gây thiệt hại lớn nhất trong thập niên tới, vượt qua cả vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng hoảng nước, dòng người nhập cư ồ ạt và các cú sốc nghiêm trọng về giá năng lượng. Đây là lần đầu tiên mối quan ngại về môi trường đứng đầu danh sách những rủi ro toàn cầu được đưa ra trong báo cáo của WEF.

Trừng phạt Nga gây thiệt hại hàng chục tỷ Euro

Nga bị thiệt hại khoảng 25 tỷ Euro trong năm 2015 do các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), trong khi mức thiệt hại mà EU hứng chịu do các biện pháp tương tự từ Nga trong hai năm 2014-2015 là 90 tỷ Euro.

Đây là đánh giá của Thứ trưởng thứ nhất Bộ Phát triển Kinh tế Nga, ông Alexey Likhachev khi phát biểu ngày 13/1 tại Diễn đàn Gaidar-2016 đang diễn ra tại Học viện Hành chính trực thuộc Tổng thống Nga (RANEPA).

Theo Thứ trưởng Likhachev, EU đã thiệt hại 40 tỷ Euro trong năm 2014 và thiệt hại thêm 50 tỷ Euro trong năm tiếp theo khi Nga thực thi các biện pháp đáp trả các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Hàn Quốc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2016

Ngày 14/1, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016 của Hàn Quốc, từ mức 3,2% đưa ra hồi tháng 10/2015 xuống còn 3%, do những điều kiện không thuận lợi ở trong và ngoài nước.

BOK nhận định các yếu tố trong nước, đặc biệt là tiêu dùng, đang cải thiện nhưng tốc độ phục hồi của nền kinh tế chưa nhanh do nhu cầu ở ngoài nước tăng chậm. BOK ước tính tăng trưởng GDP của Hàn Quốc trong năm 2015 chỉ đạt 2,6%.

Theo BOK, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng 1,4% trong năm 2016, thấp hơn mục tiêu 2% đặt ra cho giai đoạn 2016-2018, nhưng vẫn cao hơn mức tăng 0,7% ước tính cho năm 2015.

EU kéo dài thêm 2 tuần việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế Iran

Liên minh châu Âu (EU) hôm 14/1 thông báo đã gia hạn thêm 2 tuần đối với việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Iran.

Trong thông cáo của mình, EU cho biết Hội đồng châu Âu kéo dài cho đến ngày 28/1 tới việc tạm ngừng một số biện pháp trừng phạt hạn chế nhằm vào Iran như dự kiến trong thỏa thuận liên quan đến đàm phán hồi tháng 11/2013.

Thông cáo cũng nhấn mạnh ngay khi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khẳng định Iran đã thực hiện các biện pháp hạt nhân như trong thỏa thuận, Hội đồng châu Âu sẽ triển khai ngay việc dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính liên quan đến chương trình hạt nhân Iran.

Biện pháp này sẽ thay thế việc dỡ bỏ hạn chế được kéo dài thông báo ngày 14/1./.