Khai mạc Diễn đàn kinh tế thế giới Davos lần thứ 46

Ngày 20/1, trước sự chứng kiến của 40 nguyên thủ quốc gia và hơn 2.500 quan khách, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 46 đã chính thức khai mạc tại thành phố Davos-Klosters của Thụy Sĩ trong bối cảnh an ninh được thắt chặt.

Chủ đề chính thức của diễn đàn năm nay là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với dự báo có thể làm thay đổi bộ mặt của nền kinh tế thế giới.

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, các vấn đề về nguy cơ chệch hướng của tăng trưởng toàn cầu, những dấu hiệu đáng ngại từ nền kinh tế Trung Quốc, bối cảnh địa chính trị mới với các cuộc tấn công khủng bố diễn ra hầu như hàng ngày và cuộc khủng hoảng di cư đã bao trùm các chương trình nghị sự của diễn đàn.

ECB quyết định giữ nguyên các mức lãi suất chủ chốt

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 21/1 đã quyết định giữ nguyên các mức lãi suất chủ chốt, bất chấp những bất ổn của các thị trường tài chính thế giới trước những quan ngại liên quan tới nền kinh tế Trung Quốc.

Theo quyết định của ECB, lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn chủ chốt trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được giữ nguyên từ tháng 9/2014 ở mức thấp kỷ lục 0,05%, trong khi lãi suất biên tế và lãi suất tiền gửi cũng được giữ nguyên mức 0,30%.

Quyết định này của ECB không gây bất ngờ khi hầu hết các chuyên gia đều cho rằng ngân hàng này trước mắt sẽ chưa có biện pháp nới lỏng trong các chính sách của mình. Đồng euro vẫn ổn định sau quyết định trên của ECB, với tỷ giá trao đổi 1 euro đổi được 1,0905 USD.

IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2016 xuống còn 3,4%

Theo Kyodo, ngày 19/1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và Mỹ trong năm nay so với dự báo công bố hồi tháng 10/2015, do sự sụt giảm tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc.

Trong báo cáo “Triển vọng Kinh tế Thế giới” được điều chỉnh, IMF dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,4 % trong năm 2016, giảm 0,2% so với dự đoán trước đó.

IMF cũng đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ đi 0,2%, xuống còn 2,6% trong năm 2016 và năm 2017.

Thị trường dầu mỏ thế giới sẽ "chìm" trong nguồn cung thừa

Thị trường dầu mỏ thế giới sẽ "chìm trong nguồn cung dư thừa" và giá dầu thế giới sẽ còn giảm do nguồn cung vượt quá nhiều so với nhu cầu tới cuối năm 2016, đặc biệt sau khi Iran được phép xuất khẩu dầu trở lại. Đó là đánh giá của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) trong báo cáo công bố ngày 19/1.

Trong báo cáo hàng tháng mới nhất về thị trường dầu mỏ, IEA tuyên bố: “Nếu không có gì thay đổi, thị trường dầu mỏ có thể chìm ngập trong nguồn cung quá nhiều.” Do đó, giá dầu mỏ có thể xuống thấp hơn nữa.

Theo IEA, thời tiết ấm áp trong mùa Đông này trên thế giới đã khiến nhu cầu dầu mỏ chỉ tăng 1 triệu thùng/ ngày trong quý Tư năm ngoái. Dự báo nhu cầu dầu mỏ trên thế giới trong năm 2016 cũng sẽ chỉ tăng thêm khoảng 1,2 triệu thùng/ngày.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 25 năm

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 19/1 chính thức công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2015 tăng 6,9%. Đây là mức tăng trưởng hằng năm thấp nhất của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong 25 năm qua.

Số liệu trên thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 7,3% của nước này năm 2014. Tuy nhiên, con số này cũng giống như kết quả dự báo trong cuộc khảo sát mà hãng tin AFP tiến hành đối với 18 chuyên gia kinh tế./.