Ngân hàng Trung ương Nhật Bản áp dụng chính sách lãi suất âm

Ngày 29/1, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (B​oJ) thông báo quyết định thực hiện chính sách lãi suất âm đối với tài khoản tiền gửi của các tổ chức tài chính nhằm hoàn thành mục tiêu lạm phát đề ra là 2% trong thời gian sớm nhất có thể.

Theo thông báo của B​oJ, sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, BOJ cho biết sẽ áp dụng mức lãi suất -0,1% đối với mức tiền gửi mà các tổ chức tài chính gửi tại ngân hàng trung ương Nhật Bản. B​oJ nêu rõ sẽ “tiếp tục hạ lãi suất nếu cần thiết” nhằm khuyến khích các tổ chức tài chính hay ngân hàng thương mại tăng cường cho vay và đầu tư. Chính sách lãi suất âm này sẽ được áp dụng kể từ tháng 2 tới.

Quyết định trên của B​oJ được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đang chịu áp lực phải xoa dịu những lo ngại “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.

Nga chi gần 10 tỷ USD đối phó khủng hoảng tài chính trong nước

Ngày 28/1, Bộ Phát triển Kinh tế Nga cam kết sẽ chi 750 tỷ Ruble (tương đương 9,8 tỷ USD) đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính của nước này sau khi giá dầu mỏ lao dốc và đồng Ruble mất giá ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế của Nga.

Theo Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev, quyết định trên là một trong số các biện pháp chống khủng hoảng, trong đó 310 tỷ Ruble là ngân sách tồn đọng đã cấp cho các địa phương trong năm 2016.

Ông Ulyukayev không cho biết thêm chi tiết về kế hoạch sử dụng khoản tiền trên, song báo chí Nga đưa tin kế hoạch chống khủng hoảng gồm 4 lĩnh vực là giúp đỡ các khu vực, hỗ trợ các ngành kinh tế chủ chốt gặp khó khăn nhất như nông nghiệp, chế tạo ôtô, các biện pháp hỗ trợ xã hội và cải cách cơ cấu.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc “bơm” thêm 52 tỷ USD vào nền kinh tế

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ngày 28/1 tiếp tục "bơm" 340 tỷ Nhân dân tệ (52 tỷ USD) vào hệ thống tài chính nước này. Đây là đợt “tiếp sinh lực” thứ hai cho thị trường trong vòng ba ngày, nhằm đáp ứng nhu cầu tiền tăng mạnh trước thềm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Ngày 26/1, PBoC đã rót thêm 440 tỷ Nhân dân tệ (67 tỷ USD) vào nền kinh tế để tăng tính thanh khoản, mà theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), là lần bơm tiền thông qua cơ chế thị trường mở lớn nhất của PBoC kể từ năm 2013.

Các công ty Trung Quốc thường trả lương và tiền thưởng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sẽ diễn ra vào đầu tháng Hai năm nay, và người dân cũng có truyền thống chuẩn bị quà cáp, tiền lì xì và mua sắm nhiều trước dịp này.

Fed quyết định tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất hiện nay

Với lý do tốc tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ vẫn ở mức thấp trong giai đoạn cuối năm ngoái do những quan ngại kinh tế toàn cầu suy giảm, Ngân hàng Dự trự Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất hiện nay.

Trong tuyên bố đưa ra rạng sáng 28/1 (theo giờ Việt Nam) sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - Ngân hàng Trung ương Mỹ khẳng định tiếp tục duy trì lãi suất ở mức 0,25-0,5% công bố hồi tháng 12/2015 sau rất nhiều lần cân nhắc, trong bối cảnh xuất hiện nhiều mối rủi ro từ tình trạng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và giá dầu lao dốc.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của FOMC bày tỏ hy vọng tỷ lệ lạm phát, hiện đang ở mức thấp trong ngắn hạn do giá dầu sụt giảm, sẽ tăng lên mức mục tiêu 2% trong giai đoạn trung hạn. Khi đó, Fed sẽ cân nhắc khả năng tăng lãi suất lần thứ hai, có thể là trong tháng Ba tới.

OECD ngăn chặn vấn nạn trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia

Hơn 30 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 27/1 đã ký một thỏa thuận sẽ chia sẻ thông tin về các tập đoàn đa quốc gia nhằm thúc đẩy sự minh bạch hóa sau khi công luận tỏ thái độ bất bình trước việc các công ty lớn né tránh việc nộp thuế.

Theo luật lệ mới, các doanh nghiệp hay tập đoàn đa quốc gia sẽ phải báo cáo cho từng quốc gia cả doanh thu lẫn khoản thuế phải đóng.

Quy định này được đưa ra là để ngăn chặn tình trạng các công ty lợi dụng các lỗ hổng về pháp lý hoặc chuyển tiền qua biên giới nhằm trốn thuế hoặc bớt tiền nộp thuế./.