OECD: Tăng trưởng toàn cầu năm 2016 sẽ chậm nhất trong 5 năm

Ngày 18/2, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) gồm 34 thành viên có trụ sở tại Paris (Pháp) công bố dự báo không khả quan về tình hình kinh tế năm 2016, trong đó giảm mức dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hầu hết các nền kinh tế lớn, cũng như cảnh báo các nhà lãnh đạo toàn cầu phải đối phó với tình trạng giảm cầu.

OECD hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 từ 3,3% đưa ra hồi tháng 11/2015 xuống 3%. Như vậy, kinh tế năm 2016 sẽ không tiến bước nào so với năm 2015, đạt tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ 5 năm qua.

Thương mại, đầu tư và mức lương giữ ở mức yếu, đặt ra yêu cầu phải có chính sách phù hợp khẩn cấp để kích thích tăng trưởng, trong đó không chỉ chính sách tiền tệ, mà cần phải có một chính sách phối hợp tập thể để tăng cầu.

Trung Quốc tiếp tục bơm thêm 25 tỷ USD vào hệ thống tài chính

Theo Tân Hoa xã, ngày 19/2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - tức ngân hàng trung ương) đã bơm 163 tỷ nhân dân tệ (tương đương 25 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua các hoạt động thị trường mở. PBOC cho biết đã bơm số tiền trên vào 20 thể chế tài chính thông qua cơ chế cho vay trung hạn (MLF), trong đó, 47,5 tỷ nhân dân tệ có kỳ hạn 3 tháng, 62 tỷ nhân dân tệ kỳ hạn 6 tháng và 53,5 tỷ nhân dân tệ kỳ hạn 1 năm với lãi suất lần lượt là 2,75%, 2,85% và 3%.

PBoC đã hạ mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 3% xuống 2,85% và lãi suất kỳ hạn 1 năm từ 3,25% xuống 3%, trong khi lãi suất kỳ hạn 3 tháng giữ nguyên.

Trong tháng Một vừa qua, PBoC đã bơm hơn 1.500 tỷ nhân dân tệ vào thị trường thông qua các công cụ tài chính MLF, cơ chế cho vay tiêu chuẩn (SLF) và cho vay cam kết phụ (PSL).

Fed cảnh báo gia tăng nguy cơ đe dọa triển vọng kinh tế Mỹ

Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu vẫn đang còn nhiều bất ổn, nhiều quan chức của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bày tỏ quan ngại về những nguy cơ tiêu cực có xu hướng gia tăng sẽ ảnh hưởng đến "sức khỏe" cũng như triển vọng của nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Theo báo cáo của Fed công bố ngày 17/2, trong cuộc họp thường kỳ ngày 26-27/1 vừa qua của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), giới chức Fed có chung quan điểm cho rằng những dấu hiệu gần đây cho thấy triển vọng tích cực của nền kinh tế Mỹ là "không rõ ràng," trong khi "tình trạng không chắc chắn" có xu hướng gia tăng và có thể kéo theo nguy cơ làm suy yếu tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Theo họ, các điều kiện tài chính thắt chặt hơn tại Mỹ, trong đó có sự biến động thị trường, đã khiến giá cổ phiếu nhanh chóng sụt giảm trong khi đồng USD lại tăng cao.

ECB có thể tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế

Theo biên bản cuộc họp hồi tháng 1/2016 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa được công bố ngày 18/2, ngân hàng này muốn phát đi tín hiệu sẵn sàng tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế mới.

Tuy nhiên, để tránh làm biến động thị trường tài chính giống như hồi tháng 12/2015, ban điều hành ECB nhất trí cho rằng cần tạo ra sự cân bằng trong việc đưa các tín hiệu rõ ràng về năng lực, sự sẵn sàng và quyết tâm hành động, đồng thời cũng không nên có hàm ý về những chính sách đã được áp dụng khi môi trường kinh tế hay thay đổi./.