OECD cảnh báo về những tác động tiêu cực nếu Anh rời EU

Phó Tổng Thư Ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Stefan Kapferer nhận định rằng việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ không chỉ tác động tiêu cực tới triển vọng nền kinh tế Anh mà cả tới nền kinh tế của khối này.

Chuyên gia kinh tế người Đức này nhấn mạnh: "Thương mại tự do trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ, đang là lợi thế của EU, có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu nước Anh quyết định rời EU (Brexit). Hơn nữa, Brexit cũng sẽ gây thêm bất ổn trong bối cảnh các nền kinh tế châu Âu đang đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn vì nhiều lý do khác nhau. Các công ty đa quốc gia lớn đang đặt trụ sở tại nước Anh có thể sẽ rời tới các nước EU khác."

Theo OECD, EU là thị trường quan trọng đối với nước Anh, chiếm lần lượt 53% và 48% kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu của Xứ sở Sương mù.

EC tăng cường hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng khủng hoảng di cư

Ủy viên EU phụ trách hỗ trợ nhân đạo và xử lý khủng hoảng Christos Stylianides cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất sử dụng nguồn quỹ được dùng cho các chương trình cứu trợ khẩn cấp, để hỗ trợ các nước đang chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng di cư.

Chương trình cứu trợ khẩn cấp của EU thường được dùng để trợ giúp các khu vực nghèo nàn và hứng chịu xung đột tại châu Phi và Trung Đông.

Theo Thời báo Phố Wall, Ủy viên Stylianides sẽ thông báo về gói cứu trợ trị giá 700 triệu Euro (765 triệu USD) trong ba năm và chủ yếu dành cho Hy Lạp.

Trung Quốc tiếp tục theo đuổi việc thả nổi tỷ giá "có kiểm soát"

Thủ tướng Lý Khắc Cường ngày 29/2 tái khẳng định Bắc Kinh sẽ giữ ổn định tỷ giá đồng nhân dân tệ và thúc đẩy cải cách.

Phát biểu tại buổi tiếp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew tại Bắc Kinh, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi việc thả nổi tỷ giá có kiểm soát dựa trên nguồn cung và nhu cầu của thị trường và với việc tham chiếu giỏ tiền tệ, cũng như sẽ giữ tỷ giá ổn định một cách hợp lý và cân bằng. Theo ông, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện cải cách, đặc biệt là mặt cung ứng, cũng như mở rộng việc tiếp cận thị trường dưới cạnh tranh công bằng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Trung Quốc cũng kêu gọi Bắc Kinh và Washington tăng cường phối hợp trong chính sách kinh tế vĩ mô nhằm tăng cường lòng tin của thị trường, giúp kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh mẽ, ổn định và cân bằng, cũng như thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.

OPEC sẽ không giảm sản lượng dầu mỏ

Theo nguồn tin từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), tổ chức này nhiều khả năng không cắt giảm sản lượng dầu tại cuộc họp vào tháng Sáu tới trong bối cảnh sẽ là quá sớm để nhận định về mức tăng sản lượng dầu của Iran.

Nguồn tin trên cho hay, các nước OPEC như Saudi Arabia cũng muốn thử nghiệm cam kết của Nga về "đóng băng" sản lượng trước khi thảo luận về biện pháp tiếp theo nhằm bình ổn giá dầu.

Hơn 18 tháng sau khi giá dầu bắt đầu giảm mạnh do tình trạng dư cung, Saudi Arabia, Qatar, Venezuela và Nga hồi tháng Hai vừa qua đã nhất trí "đóng băng" sản lượng ở mức của tháng Một vừa qua.

Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Ali al-Naimi hồi tuần trước khẳng định, phương án cắt giảm nguồn cung không nằm trong kế hoạch, mặc dù nói thêm rằng việc "đóng băng" sản lượng chỉ là bước đi đầu tiên để cân bằng thị trường dầu mỏ sau khi giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003./.