Trung Quốc mất kiểm soát

Sau ba thập niên tăng trưởng ở mức hai con số, kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. Theo số liệu thống kê của nước này, tăng trưởng GDP năm 2015 vừa qua là 6,9%; thấp hơn mức 7% mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đặt ra hồi đầu năm. Trước đó, năm 2014 tăng 7,3% và năm 2013 tăng 7,7%.

Việc kinh tế Trung Quốc chậm lại là tất yếu. Nhiều năm trước, các chuyên gia đã cảnh báo mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và đầu tư của nước này không có tính bền vững và cần phải chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu thụ và dịch vụ nội địa bền vững hơn dù mức tăng GDP sẽ bị giảm trong trung hạn.

Nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc như ông Tập Cận Bình cũng nhận ra rằng, các động lực kinh tế của nước này đã yếu đi rất nhiều, và ông kêu gọi người dân chấp nhận tăng trưởng thấp như một “điều bình thường mới”.

Tuy nhiên, từ năm ngoái, kinh tế Trung Quốc nói chung đã không cải thiện mà còn xấu đi rất nhanh, ngoài dự liệu của giới lãnh đạo Bắc Kinh. Xuất khẩu - trụ cột lớn nhất của kinh tế Trung Quốc 30 năm qua, đã lao dốc từ mức tăng hai con số xuống mức âm; đầu tư vào tài sản cố định giảm xuống 7% từ mức hơn 20% trước đây - tác động nặng nề tới việc xây dựng nhà máy, cơ sở hạ tầng và bất động sản. Có nhiều nguyên nhân: sức tiêu thụ yếu trên thị trường toàn cầu do khủng hoảng kinh tế và tình trạng đầu tư quá mức, sản xuất dư thừa ở ngay chính Trung Quốc.

Khi Tạp chí Caixin công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm 10 tháng liên tục cho thấy nền sản xuất công nghiệp nước này “co lại” trong suốt năm qua, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phản ứng bằng các đợt bán tháo, gây ra các vụ “nổ cầu chì” trong tuần giao dịch đầu tiên của năm mới 2016. Công nghiệp đình đốn cũng đẩy hàng loạt nhà máy ở Quảng Đông - nơi tập trung các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu - vào tình trạng phá sản, sa thải hàng vạn công nhân và dự kiến làn sóng phá sản, sa thải sẽ tiếp tục tăng cao trong những tháng tới. Trong kế hoạch 5 năm 2016-2020, Bắc Kinh đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng GDP ở mức 6,5%/năm nhưng theo nhà kinh tế Li Wei, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc, mục tiêu này sẽ khó mà đạt được trong bối cảnh giảm tốc kéo dài như hiện nay.

Chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp kích thích tăng trưởng: trong năm 2015, ngân hàng trung ương nước này đã sáu lần giảm lãi suất, từ mức 5,6%/năm xuống còn 4,35%/năm hiện nay; bốn lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng thương mại, từ mức 19,5% xuống còn 17,5% hiện nay; và đặc biệt Trung Quốc đã đột ngột phá giá đồng Nhân dân tệ 4,4% chỉ trong ba ngày giữa tháng 8-2015, gây chấn động các thị trường tài chính toàn cầu. Những biện pháp trên đều nhắm tới đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, tiêu thụ hàng tồn kho và ổn định sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, tác dụng ngược của các biện pháp này là giá hàng nhập khẩu tăng lên, kích hoạt làn sóng rút vốn đầu tư và tâm lý hoảng loạn trên các thị trường tài chính.

Ấn Độ đang dần thu hẹp khoảng cách với nền kinh tế thứ hai thế giới

Mới đây, chủ trì một hội nghị quốc tế tại New Delhi cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde cho biết, kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, tỷ lệ tăng trưởng trong năm 2015 rơi xuống mức thấp nhất trong 25 năm trở lại đây, đạt 6,7% như đã nói ở trên. Trong khi đó, Ấn Độ vượt Trung Quốc nhờ mức tăng trưởng 7,4% và đặc biệt là lạm phát đã được kềm hãm ở mức 5% cho cả năm.

So với hai cường quốc kinh tế đứng đầu châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản, thì Ấn Độ là một trường hợp đặc biệt. Đất nước đông dân thứ hai thế giới này không có những thời kỳ phát triển kinh tế chóng mặt được xem là thần kỳ như hai nước kể trên, thay vào đó quá trình phát triển kinh tế của Ấn Độ diễn ra chậm rãi và từ tốn với GDP luôn ở ngưỡng dưới 10%.

Rất nhiều chuyên gia trên thế giới đã cảm thấy sốt ruột thay Ấn Độ khi chứng kiến tốc độ phát triển như tên lửa của Trung Quốc với mức tăng trưởng trên hai con số, trong khi Ấn Độ và Trung Quốc sở hữu rất nhiều điều kiện thuận lợi giống nhau, về dân số đông, giá nhân công rẻ và lãnh thổ rộng lớn.

So với Trung Quốc, Ấn Độ có lợi thế về nhân công giá rẻ

Thậm chí Ấn Độ còn được xem là có nhiều điều kiện thuận lợi hơn hẳn Trung Quốc khi sở hữu một đường bờ biển dài gấp đôi Trung Quốc, lại nằm trên con đường hàng hải xuyên Âu – Á rất thuận lợi cho phát triển kinh tế. Nếu như hầu hết hàng hóa của Trung Quốc phải vận chuyển trên một quãng đường rất dài để dồn về các tỉnh duyên hải phía Đông để đưa lên tàu xuất sang nước ngoài, thì ở Ấn Độ có biển bao quanh phần lớn lãnh thổ nên đi lại thuận tiện hơn rất nhiều.

Thế nên không lấy gì làm lạ với sự hẫng hụt của thế giới khi chứng kiến sự chênh lệch tốc độ tăng trưởng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Nhưng, nếu có một mô hình phát triển kinh tế nào đang được Trung Quốc thèm khát nhất ở thời điểm hiện tại, thì đó không gì khác ngoài Ấn Độ.

Nguyên nhân chủ đạo nằm ở việc các nhà lãnh đạo Ấn Độ chọn cách phát triển một cách bền vững thay vì chạy theo tốc độ và quy mô một cách lệch lạc như Trung Quốc. Nếu như Trung Quốc để đạt mục tiêu tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất đã lao theo những kế hoạch phát triển tràn lan và thiếu tầm nhìn xa, và hậu quả sau ba mươi năm phát triển cao độ ở nước này giờ đây đang hiện ra rõ hơn hết, đó là sự thiếu cân đối giữa các bộ phận của nền kinh tế, ô nhiễm môi trường và một nền kinh tế ẩn chứa nhiều khuyết tật ngầm.

Những điều đó đã không xảy ra ở Ấn Độ. New Delhi đã tỏ ra có tầm nhìn xa hơn so với Bắc Kinh. Mở cửa nền kinh tế chậm hơn Trung Quốc một thập niên, chính phủ Ấn Độ tập trung xây dựng các lĩnh vực then chốt làm đòn bẩy cho nền kinh tế, đó là công nghiệp nhẹ và công nghệ thông tin.

Các tiêu chuẩn được áp dụng trong phát triển công nghệ và tài chính thương mại ở Ấn Độ cũng cao hơn Trung Quốc khi Ấn Độ áp dụng các tiêu chuẩn của châu Âu, đồng thời lực lượng lao động của Ấn Độ cũng có trình độ cao hơn Trung Quốc nhờ hệ thống giáo dục dựa theo các tiêu chuẩn phương Tây và việc sử dụng tiếng Anh rộng rãi trên toàn quốc bắt nguồn từ quá khứ là thuộc địa của Anh.

Theo Business Insider, quá trình chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc đã tạo ra sự gần cân bằng giữa các ngành, với dịch vụ chiếm 48% GDP còn sản xuất ở mức 43% GDP (phần còn lại là của ngành nông nghiệp). Ngược lại, khu vực dịch vụ của Ấn Độ là khoảng 53% GDP còn lĩnh vực sản xuất là 30% GDP, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Điều này giúp cho khi Ấn Độ sụt giảm mạnh về sản xuất cũng không tạo ra tác động quá mạnh đến toàn thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng.

Chính vì vậy, nếu như Trung Quốc đang rơi vào thế bế tắc trong việc tìm ra hướng đi mới cho nền kinh tế, thì cánh cửa tương lai đang rộng mở với Ấn Độ hơn bao giờ hết. Với chiến lược phát triển bền vững được quy hoạch có chiến lược của mình, Ấn Độ đang còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác, trong khi Trung Quốc với sự bừa bãi của mình lại đang cạn dần.

Một trong số đó là nguồn nhân lực, nếu như giá nhân công ở Trung Quốc đã tăng lên gấp đôi và trở nên đắt đỏ khiến giá nhân công rẻ không còn là lợi thế của nước này, thì nó vẫn được giữ nguyên ở Ấn Độ. Giới phân tích dự báo một lượng lớn nhà đầu tư sẽ rời Trung Quốc để chuyển sang các khu vực khác có giá nhân công thấp hơn như Đông Nam Á và Ấn Độ.

Tương quan kích thước kinh tế và đi cùng với đó là tương quan sức mạnh giữa Trung Quốc và Ấn Độ, vì thế sẽ ngày càng được rút ngắn. Trung Quốc được dự báo sẽ phát triển chậm lại ít nhất là trong hơn 10 năm tới, trong khi 20 năm tới lại được coi là giai đoạn kinh tế Ấn Độ có bước phát triển mạnh nhất, do Ấn Độ mở cửa nền kinh tế sau Trung Quốc hơn mười năm nên giai đoạn phát triển mạnh nhất của nước này cũng sẽ sau Trung Quốc chừng ấy thời gian.

Thậm chí, các chuyên gia dự đoán kinh tế Ấn Độ có thể vượt qua Mỹ trước năm 2030. Nghiên cứu lịch sử kinh tế cho thấy kinh tế Ấn Độ vừa thoát khỏi giai đoạn nút cổ chai tăng trưởng và có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều thập kỷ tương tự như Trung Quốc đã làm nhưng sẽ bền vững hơn Trung Quốc khá nhiều./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://ndh.vn/kinh-te-an-do-lien-tiep-tang-truong-vuot-trung-quoc-2016011203158346p146c158.news

http://taichinhkehoach.bachkhoasaigon.edu.vn/tin-tuc/kinh-te-trung-quoc-se-som-bi-an-do-vuot-mat.html

http://www.thesaigontimes.vn/141074/Kinh-te-Trung-Quoc-giam-toc-Tac-dong-den-the-gioi-ra-sao.html