Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde

Hôm thứ 5, IMF đưa ra lời cảnh báo đối với một cuộc suy thoái có thể xảy ra ở khu vực đồng Euro, gây áp lực lên các chính phủ.

Mặc dù đã có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng tài chính 2008, nhưng nhiều thách thức đặt ra, trong đó bao gồm dịch Ebola ở Tây Phi, khủng hoảng Ukraina, xung đột Trung Đông, hay thế giới bị ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde thẳng thắn cảnh báo, khu vực đồng Euro có thể lại rơi vào suy thoái nếu không đưa ra bất cứ hành động nào ngăn chặn. "Chúng tôi không cho rằng Eurozone sắp sửa suy thoái kinh tế, nhưng điều đó hoàn toàn có nguy cơ xảy ra nếu không có biện pháp xử lý", bà nói.

Lagarde nhấn mạnh, nhìn chung tăng trưởng kinh tế thế giới có thể đạt 3,3% trong năm nay, và lên đến 3,8% vào năm 2015. Con số này khả quan hơn các năm trước, tuy vậy, vẫn không đủ để nhiều người dân có thu nhập cao hơn và rút ngắn tỷ lệ thất nghiệp.

Hơn nữa, một số nền kinh tế mới nổi phải đối mặt với tình trạng bất ổn sâu sắc hơn, và nền kinh tế Eurozone lại đặc biệt đáng lo ngại. "Chủ đề chính là tăng trưởng toàn cầu, nhưng lại tập trung chủ yếu về vấn đề phát triển của châu Âu", Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cho biết.

IMF hôm đầu tuần đã giảm dự báo tăng trưởng đối với 18 quốc gia trong khu vực Eurozone xuống 0,8% năm nay và 1,3% trong năm tới. Nhưng với nguy cơ giảm phát cùng nhu cầu và sản xuất công nghiệp giảm, thì ngay cả ở những cường quốc như Đứ cũng có thể gặp phải một kịch bản xấu hơn.

Lagarde nói rằng, suy thoái châu Âu chịu ảnh hưởng không đáng kể từ khủng hoảng Ukraine cũng như cấm vận kinh tế mà Tây Âu và Hoa Kỳ đã áp đặt lên Nga.

Kinh tế trưởng của IMF, Olivier Blanchard đã cảnh báo hôm thứ 3: “Nếu Eurozone tiếp tục trì trệ, thì sẽ là vấn đề đáng lo ngại đối với kinh tế thế giới”.

IMF và Ngân hàng Thế giới đang gây sức ép lên các chính phủ thúc đẩy cải cách nhằm thúc đẩy tăng trưởng, và mục tiêu chi tiêu nhiều hơn vào các hoạt động tạo ra việc làm như phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là Đức.

Trong một báo cáo về kinh tế toàn cầu mới đây, IMF đã viết: “Đức hoàn toàn có thể hỗ trợ tài chính cho đầu tư công vào cơ sở hạ tầng để bảo trì và hiện đại hóa, mà không vi phạm các quy định tài chính”.

Tuy nhiên, hát biểu tại Washington, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble từ chối đề xuất này, phản đối việc chi tiêu nhiều hơn để vực dậy khu vực châu Âu. “Tăng trưởng sẽ không đơn thuần chỉ viết séc là xong", ông nói.

Thay vào đó, ông nhấn mạnh rằng Ý và Pháp –hai quốc gia đều muốn tăng các khoản chi tiêu kích cầu – nên thực hiện "các cải cách cơ cấu cần thiết", và ông cảnh báo việc Ngân hàng Trung ương châu Âu không nên nới lỏng chính sách tiền tệ thêm nữa./.

Dịch từ nguồn:
http://www.channelnewsasia.com/news/business/international/eurozone-faces-serious/1406572.html