Fed hạ dự báo triển vọng kinh tế Mỹ

Ngày 16/3, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hạ dự báo triển vọng kinh tế Mỹ đồng thời giữ nguyên lãi suất cơ bản do ảnh hưởng từ sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu và tình trạng bất ổn tại các thị trường tài chính thế giới.

Sau cuộc họp hai ngày về chính sách, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - đã quyết định hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới trong năm nay xuống 2,2%, thấp hơn 0,2% so với dự báo đưa ra hồi tháng 12/2015.

Theo FOMC, hoạt động kinh tế của Mỹ vẫn mở rộng với tốc độ vừa phải bất chấp tình trạng không lạc quan của kinh tế thế giới trong những tháng qua. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nguy cơ tồn tại có thể đe dọa nền kinh tế số một thế giới này.

ECB kêu gọi các nền kinh tế EU đẩy mạnh cải cách sâu rộng

Ngày 17/3, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi kêu gọi các nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) đẩy mạnh cải cách và nỗ lực hơn nữa để vực dậy nền kinh tế khu vực.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp với các lãnh đạo EU ở Brussels (Bỉ), ông Draghi nhận định nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang phục hồi với tốc độ chậm chạp, các nguy cơ vẫn rình rập, thậm chí có những nguy cơ ngày càng rõ rệt.

Việc các quốc gia chủ yếu dựa vào chính sách tiền tệ để phục hồi nền kinh tế trong những năm qua là chưa đủ, còn tồn tại nhiều yếu kém về mặt cấu trúc.

Chính vì vậy, 19 quốc gia thuộc Eurozone cần chú trọng hơn nữa tới các biện pháp cải cách cấu trúc nền kinh tế trong đó tập trung kích thích tiêu dùng, tăng đầu tư công, giảm thuế và cần xác định rõ tương lai của Eurozone.

Anh giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục năm thứ tám liên tiếp

Không nằm ngoài dự báo của giới phân tích và chuyên gia tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) ngày 17/3 đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,5% được duy trì từ tháng 3/2009, do lạm phát vẫn ở mức thấp và kinh tế “xứ sương mù” đối mặt với nhiều nguy cơ trong năm nay.

BoE cũng không đưa ra thay đổi nào đối với chương trình nới lỏng định lượng (QE), nhằm tiếp đà tăng trưởng cho nền kinh tế. Biên bản cuộc họp cho hay BoE đã ra lời cảnh báo rằng sự bất ổn gia tăng xung quanh cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời EU, hay còn gọi là “Brexit”, có thể làm người dân trì hoãn các quyết định chi tiêu, qua đó làm giảm mức tăng tổng cầu tại Anh trong ngắn hạn, đồng thời nó cũng là yếu tố khiến giá đồng bảng giảm khoảng 9% từ tháng 11/2015.

Nhật Bản đạt thặng dư thương mại hơn 2 tỷ USD trong tháng 2

Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 17/3 công bố số liệu sơ bộ cho thấy trong tháng Hai nước này đạt thặng dư thương mại 242,77 tỷ Yen (2,2 tỷ USD), so với mức thâm hụt 648,77 tỷ Yen trong tháng trước đó, trong bối cảnh giá dầu đi xuống giúp giá trị nhập khẩu giảm.

Xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng trước đạt 5.700 tỷ Yen (50,73 tỷ USD), giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng thứ năm liên tiếp con số này suy giảm. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu là 5.460 tỷ Yen, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái, là tháng giảm thứ 14 liên tiếp. /.