Trong vòng 30 năm qua, tăng trưởng kinh tế kỷ lục của Trung Quốc đã giúp 500 triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo, quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng mang lại vô số việc làm, đất đai giá rẻ và cơ sở hạ tầng tốt. Tuy Trung Quốc đã tránh được một số mặt tiêu cực của quá trình đô thị hóa, nhưng vẫn không tránh khỏi một số vấn đề, như: quy hoạch đất đai kém hiệu quả đã làm xuất hiện tình trạng phát triển quá nhanh và các thành phố ma; tình trạng ô nhiễm đe dọa sức khỏe người dân và làm cho đất canh tác và tài nguyên nước đang trở nên khan hiếm.

Theo dự báo, năm 2030, dân số đô thị Trung quốc sẽ lên đến 1 tỷ người, tức là khoảng 70% tổng dân số. Viễn cảnh đó buộc các nhà lãnh đạo Trung quốc phải tìm kiếm một quá trình đô thị hóa được điều phối tốt hơn. Theo đó, có 6 lĩnh vực được Trung Quốc ưu tiên, cụ thể là:

Cải cách quản lí và thể chế đất đai. Quá trình mở rộng đô thị trong những năm gần đây chủ yếu dựa vào đất nông nghiệp chuyển đổi. Theo báo cáo thì quỹ đất nông nghiệp hiện đã xuống gần đến “giới hạn đỏ” 120 triệu ha. Đây là mức tối thiểu cần thiết để đảm bảo an ninh lương thực.

Muốn sử dụng đất hiệu quả hơn đòi hỏi phải trao quyền sở hữu mạnh mẽ hơn cho nông dân, đền bù thỏa đáng hơn cho diện tích đất bị thu hồi, cần cơ chế mới phục vụ việc chuyển đổi đất xây dựng nông thôn sang đất đô thị và phân bổ đất đô thị dựa trên giá thị trường. Cần đề ra những giới hạn pháp lí đối với việc lấy đất nông nghiệp cho các mục đích công cộng của chính quyền địa phương. Báo cáo cũng khuyến nghị áp giá thị trường cho đất công nghiệp và chuyển đổi đất công nghiệp sang mục đích thương mại và đất ở. Qua đó sẽ khuyến khích ngành dịch vụ phát triển và tạo cơ sở vững chắc hơn về kinh tế cho các thành phố loại nhỏ và giảm giá nhà.

Cải cách hệ thống đăng ký hộ gia đình theo hộ khẩu tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng cho mọi người dân tới các dịch vụ có chất lượng và tạo ra một lực lượng lao động dễ dàng di chuyển và đa năng. Chế độ hộ khẩu cần tiến triển dần thành chế độ cư trú, cung cấp dịch vụ công tiêu chuẩn tối thiểu cho mọi người dân. Cần loại bỏ các rào cản đối với sự di chuyển lao động vào khu vực thành phố, di chuyển lao động từ thành phố này sang thành phố khác, và giúp nâng cao thu nhập người lao động.

Nâng cao mức độ bền vững tài chính của các thành phố đồng thời tăng cường kỷ cương tài chính đối với chính quyền địa phương. Báo cáo khuyến nghị áp dụng một hệ thống thu thuế mới trong đó tỉ trọng chi địa phương từ nguồn thu tại chỗ được tăng lên, ví dụ từ thuế đất và tăng thu phí dịch vụ đô thị. Theo báo cáo, nên cho phép chính quyền địa phương vay trực tiếp theo những quy định nghiêm ngặt của chính quyền trung ương.

Đổi mới quy hoạch và thiết kế đô thị. Ở các thành phố, áp giá thị trường cho đất công nghiệp có thể khiến các ngành sử dụng nhiều đất chuyển sang các thành phố, thị trấn nhỏ hơn. Chính quyền đô thị cũng có thể nâng cao hiệu quả sử dụng đất hiện nay bằng cách qui vùng linh hoạt hơn, khoanh vùng nhỏ hơn và sử dụng cho nhiều mục đích hơn. Qua đó sẽ làm tăng mật độ và hiệu suất sử dụng đất. Phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm đô thị và thúc đẩy sự hợp tác với các thành phố khác sẽ giúp giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm.

Quản lí áp lực môi trường. Hiện Trung quốc đã đề ra các luật, qui định và tiêu chuẩn rất khắt khe về môi trường. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là thực thi để làm sao thực hiện được mục tiêu đô thị hóa xanh hơn. Các công cụ thị trường như thuế môi trường, hệ thống buôn bán khí thải các-bon, ô nhiễm không khí, và nước, và năng lượng cũng có thể góp phần thực hiện các mục tiêu về môi trường. Trung quốc cần tập trung vào “quản trị xanh” bằng cách đổi mới thể chế và các biện pháp khuyến khích và công cụ giúp quản lí môi trường tốt hơn.

Tăng cường quản trị địa phương. Hệ thống đánh giá thành tích công tác quan chức chính quyền địa phương cần đổi mới nhằm hỗ trợ quá trình đô thị hóa hiệu quả, toàn diện và bền vững hơn. Chính quyền địa phương cũng cần tăng cường quản lí và minh bạch tài chính, áp dụng các công cụ như khung chi tiêu trung hạn và công khai tài chính./.