Điều này được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2016 công bố ngày 30/3.

Theo đó, ADB ước tính Trung Quốc sẽ có tốc độ tăng trưởng khiêm tốn, ở mức 6,5% trong năm 2016 và 6,3% trong năm 2017. Các số liệu mới này đều thấp hơn mức 6,9% mà Trung Quốc đạt được trong năm ngoái, chủ yếu do xuất khẩu sa sút, nguồn cung lao động sụt giảm và những cải cách của chính phủ nước này theo hướng chuyển dần sang tiêu dùng nội địa và hạn chế tình trạng dư thừa công suất.

Tuy nhiên, theo báo cáo của ADB, Ấn Độ vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với GDP ước tăng 7,4% trong năm 2016 và 7,8% trong năm 2017. Năm ngoái, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 7,6% nhờ hoạt động đầu tư trong khu vực công tăng mạnh.

Khu vực Nam Á được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với mức tăng lần lượt 6,9% và 7,3% trong năm nay và năm sau. Cùng với Ấn Độ, các nước như Afghanistan, Bangladesh, Malpes, Pakistan và Sri Lanka sẽ cải thiện.

Trong khi đó, ADB cũng dự báo kinh tế khu vực Đông Nam Á tăng trưởng khả quan hơn, với mức tăng ước đạt 4,5% trong năm nay, và 4,8% trong năm tới, so với mức 4,4% trong năm 2015. Kinh tế Myanmar có khả năng tăng trưởng ở mức 8,4% trong năm nay và 8,3% trong năm tới nhờ nguồn đầu tư dồi dào hơn đổ vào.

Nhà kinh tế trưởng của ADB, ông Shang-Jin Wei, đánh giá tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc và sự phục hồi không đồng đều của kinh tế toàn cầu sẽ tạo áp lực đối với tăng trưởng kinh tế châu Á.

Mặc dù vậy, khu vực này vẫn sẽ đóng góp hơn 60% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ông Wei kêu gọi các quốc gia châu Á thực hiện cải cách nhằm tăng năng suất, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, quản lý kinh tế vĩ mô hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng và bảo vệ nền kinh tế trước những nguy cơ bất ổn toàn cầu./.