Cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương của nhóm nước G20 được diễn ra từ ngày 22- 23/2 tại Sydney, Australia. Đây là cuộc họp đầu tiên của nhóm G20 sau khi quyết định cắt giảm chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed bắt đầu được đưa ra cuối năm ngoái.

Đồng thời, cuộc họp cũng được kỳ vọng có thể mang đến "kết quả thực sự", với những mục tiêu "thực tế" thông qua sự tăng cường hợp tác bất chấp những biến động đang diễn ra trên thị trường.

Bên cạnh đó, cuộc họp này sẽ sẽ quyết định mục tiêu tăng trưởng kinh tế thích hợp để thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Mục tiêu thống nhất chính sách tiền tệ được đặt ra trong bối cảnh sự thay đổi chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn như Mỹ đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường mới nổi, đặc biệt tại Ấn Độ, Nga, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi.

Cuộc nhóm họp của G20 được diễn ra trong bối cảnh nhiều nền kinh tế mới nổi đang lo ngại về tác dụng phụ, đặc biệt là đối với đồng tiền của quốc gia do quá trình cắt giảm dần chương trình nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu từ cuối năm ngoái đến nay.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra lời kêu gọi Australia giúp đỡ nhóm G20 cải tổ tài chính, đồng thời cảnh báo rủi ro do Fed rút kích thích quá nhanh và các ngân hàng trung ương tại châu Âu và Nhật Bản tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Theo thông cáo sau khi hội nghị này kết thúc, nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới - chiếm 85% kinh tế thế giới - cho rằng mục tiêu tăng GDP của nhóm này thêm hơn 2% trong vòng 5 năm tới là "thực tế," có thể đạt được thông qua tăng cường đầu tư, tạo thêm việc làm và thúc đẩy thương mại.

Các nước G20 sẽ phát triển các chính sách đầy tham vọng nhưng thực tế nhằm nâng tổng GDP của nhóm tăng thêm hơn 2% trong vòng 5 năm tới, tức là tăng thêm hơn 2.000 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới.

Ngoài ra, thông cáo nêu rõ, G20 cam kết phát triển các biện pháp mới, trong bối cảnh duy trì tính bền vững tiền tệ và sự ổn định của ngành tài chính, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Bộ trưởng Ngân khố Joe Hockey của Australia - nước chủ tịch luân phiên G20 - cho rằng tuyên bố trên của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 là "chưa từng có."

Tại hội nghị, ông Hockey đã hối thúc các bộ trưởng nhất trí nâng mục tiêu tăng trưởng, lấy đầu tư vào khu vực tư nhân là trọng tâm chính. Ông Hockey cho rằng, các nước cần phải tiến hành cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời áp dụng các biện pháp cụ thể đẩy mạnh đầu tư, thương mại, sự cạnh tranh và cơ hội việc làm.

Trước khi hội nghị diễn ra, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng các nước cần phối hợp chặt chẽ để duy trì tăng trưởng sản lượng và đẩy mạnh nhu cầu, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang chật vật hồi phục kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu hồi năm 2008./.

Nguồn tham khảo:

1. http://www.bbc.co.uk/news/business-26312338

2. http://australianpolitics.com/2014/02/23/g20-finance-ministers-committ-to-gdp-growth target.html?utm_source=rss&utm_medium=rss&utm_campaign=g20-finance-ministers-committ-to-gdp-growth-target