Tương lai đầy rẫy thách thức

Sáng 11/4, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á Thái Bình Dương. Báo cáo cho biết, tăng trưởng khu vực Đông Á dự tính sẽ giảm từ 6,5% năm 2016 xuống còn 6,2% giai đoạn 2017-2018. Con số dự báo này phản ánh quá trình dịch chuyển dần sang mô hình tăng trưởng chậm hơn, bền vững hơn của Trung Quốc, với mức dự báo 6,7% năm 2016 và 6,5% năm 2017, trong khi tốc độ tăng trưởng năm 2015 là 6,9%.

Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á Thái Bình Dương phân tích viễn cảnh tăng trưởng khu vực trong bối cảnh đầy thách thức gồm: tăng trưởng chậm tại các nước thu nhập cao, các thị trường mới nổi đều suy giảm, thương mại toàn cầu yếu, tình trạng giá nguyên vật liệu thấp bị kéo dài, và thị trường tài chính toàn cầu ngày càng bấp bênh.

Theo WB, thị trường tài chính khu vực trong vòng 6 tháng qua đã biến động mạnh. Điều kiện cấp vốn từ bên ngoài bị siết chặt đối với tất cả các nước đang phát triển trong khu vực trong năm 2015, nhất là đối với các nước sản xuất nguyên vật liệu và các nước cần nhiều vốn. Thoái vốn tăng mạnh, nhất là dòng vốn chạy ra khỏi Trung Quốc, trong khi đó thì rủi ro doanh nghiệp và rủi ro quốc gia đối với trái phiếu phát hành bằng đồng USD tăng mạnh trong toàn khu vực và mức tăng cao hơn so với các thị trường mới nổi khác. Đầu năm 2016 viễn cảnh bất ổn và phản ứng chính sách tại một số nền kinh tế lớn, kể cả Trung Quốc, đã gây ra một đợt biến động về dòng vốn, tỉ giá hối đoái, và thị trường chứng khoán trong khu vực. Gần đây nhất, nhờ vào các tín hiệu cho thấy chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế phát triển sẽ thông thoáng hơn dự đoán trước đây nên thị trường tài chính đã ổn định trở lại.

Cần cải cách để tăng trưởng

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch tương lai, Khu vực Đông Á, Thái Bình Dương, WB nhận định: “Các nước đang phát triển khu vực Đông Á Thái Bình Dương tiếp tục đóng góp to lớn cho tăng trưởng toàn cầu. Khu vực này chiếm gần 2/5 tăng trưởng toàn cầu trong năm 2015, hơn hai lần so với tổng của các nước đang phát triển tại tất cả các khu vực khác cộng lại. Khu vực đã được hưởng lợi từ các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng, trong đó có các nỗ lực tăng nguồn thu nội địa tại một số nước xuất khẩu nguyên vật liệu. Nhưng nếu muốn duy trì tăng trưởng trong bối cảnh thách thức toàn cầu ta phải tiếp tục tái cơ cấu.”

Theo báo cáo của WB, cần thực hiện cải cách quyết liệt hơn để đối phó với môi trường toàn cầu không chắc chắn và do những hạn chế trong chính sách kinh tế vĩ mô. Tái cơ cấu sẽ tạo điều kiện cho bùng nổ tăng trưởng trong tương lai; trước mắt, tái cơ cấu sẽ giúp tăng cường niềm tin thị trường, giảm hạn chế vốn, giảm mức độ tổn thương, và tăng cường hiệu quả của bất cứ phản ứng chính sách nào trước các cú sốc. Theo đó, WB kiến nghị các nước trong khu vực cần chú trọng hành động 3 vấn đề chính, đó là:

Thứ nhất, tăng cường minh bạch, trách nhiệm giải trình tại các quốc gia có hệ thống quản trị yếu. Trong quá trình phát triển của mình, nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp trở thành các nước thu nhập trung bình cao, các nước cần thay đổi mô hình quản trị. Đây là điều cực kỳ quan trọng để giúp nền kinh tế cất cánh và duy trì thành công trong giai đoạn đầu phát triển.

Thứ hai, cần tăng cường các nỗ lực cắt bỏ rào cản thương mại, trong đó tập trung đặc biệt vào các rào cản phi thuế quan và các rào cản quản lý nhà nước, kể cả rào cản đối với thương mại dịch vụ. Cần tiếp tục tập trung tự do hóa thương mại, đặc biệt là hội nhập ở mức sâu hơn các hiệp định thương mại trước đây nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế và khuyến khích tạo việc làm.

Thứ ba, nâng cao mức độ sẵn sàng để khai thác lợi ích của cuộc cách mạng số, đối mặt với các thách thức mà nó mang lại, đặc biệt là phải tập trung phát triển các “yếu tố bổ trợ tương tự” cho công nghệ số, bao gồm đưa ra các quy định khuyến khích cạnh tranh để các doanh nghiệp có thể tận dụng internet để cạnh tranh và sáng tạo, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng; đào tạo kỹ năng cho người lao động để có thể đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế mới; đảm bảo các thể chế phải chịu trách nhiệm giải trình để các chính phủ thấy cần thiết phải sử dụng công nghệ số để phát huy quyền của người dân và cung cấp dịch vụ hiệu quả./.