Tiền ảo vào cuộc sống

Bitcoin là loại tiền điện tử do một người hoặc tổ chức có tên Satoshi Nakamoto tạo ra vào năm 2008. Ưu điểm của loại tiền tệ này là nó không bị kiểm soát bởi bất kỳ ai, kể cả chính phủ hay những người tạo ra nó. Khác với các loại tiền tệ khác, hệ thống tiền tệ Bitcoin vận hành dựa trên mạng ngang hàng thuộc Internet, mà không cần sự quản lý của ngân hàng Trung ương.

Về bản chất, Bitcoin lấy ý tưởng từ hình thức chia sẻ thư mục (file) ngang hàng thông qua Bittorrent. Theo đó, người tham gia tự tạo ra tiền và tự trao đổi với nhau mà không cần sự can thiệp của cơ quan Nhà nước. Chi phí thanh toán bằng Bitcoin rẻ hơn nhiều so với thanh toán qua thẻ tín dụng và chuyển khoản, nên rất hấp dẫn những người muốn gửi tiền số lượng lớn. Người tham gia hệ thống tiền ảo Bitcoin cũng không phải nộp thuế giao dịch, do Bitcoin là đồng tiền do những người tham gia tạo nên.

Theo ước tính của trang Bitcoincharts, hiện có khoảng 12,2 triệu Bitcoin đang được lưu thông, giá trị tương đương 11 tỷ USD. Nói cách khác, sự phát triển của Bitcoin đang khá mạnh trên toàn cầu. Năm 2013, Bitcoin được xếp vào một trong 10 sự kiện kinh tế và cũng là một trong 4 sự kiện công nghệ nổi bật nhất tại Mỹ.

Ngày 22/05/2010, Laszlo Hanyecz là người đầu tiên dùng 10.000 Bitcoin để mua hai chiếc bánh pizza trị giá 25 USD (tương đương với 10 triệu USD hiện nay). Tháng 2/2011, khi đã có trên 5 triệu Bitcoin được tạo ra, trị giá của mỗi đồng lần đầu tiên lên bằng 1 USD.

Nhưng sau đó, giá Bitcoin từ đó dần tăng lên, đầu năm 2013, giá trị một đơn vị Bitcoin chỉ giao động quanh mức 15 USD, tới tháng 11 đã vượt qua 200 USD rồi tăng liên tục, tới ngày 27/11, giá Bitcoin trên sàn Mt. Gox đã vượt mốc 1000 USD/Bitcoin. Gần đây, trên sàn giao dịch Bitstamp, giá Bitcoin đã giảm còn khoảng 820 USD/Bitcoin so với giá 15 USD/Bitcoin cách đây 1 năm.

Từ năm 2012, Bitcoin thực sự lên cơn sốt, khi một số doanh nghiệp nổi tiếng ở các nước chấp thuận đồng tiền ảo này là phương tiện thanh toán. Năm 2013, giá Bitcoin càng tăng mạnh khi một số nước chính thức công nhận đồng tiền này. Theo Bloomberg, chỉ trong vòng một tháng, số doanh nghiệp trên CoinMap, một trang web cho biết danh sách những công ty chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, đã tăng gấp 3 lần lên hơn 2.000. Thống kê của CoinMap, tại Anh có tới 160 nhà bán lẻ chấp nhận Bitcoin.

Công ty Internet hàng đầu Trung Quốc Baidu cũng mới chấp nhận một số giao dịch thanh toán bằng Bitcoin. Mới đây, Đức trở thành quốc gia đầu tiên công nhận Bitcoin là đồng tiền hợp pháp tại nước này.

Hấp dẫn nhà đầu tư

Với tiềm năng tạo ra phương thức thanh toán có chi phí thấp và an toàn hơn so với thẻ tín dụng, Bitcoin khiến giới đầu tư bắt đầu tin tưởng sẽ đến lúc được người tiêu dùng bình thường sử dụng rộng rãi trong việc mua hàng từ các nhà bán lẻ hợp pháp. Bitcoin còn có tính thực tiễn như mức độ bảo mật và ứng dụng cho thanh toán quốc tế, giao dịch xuyên biên giới.

Theo phân tích của các nhà bán lẻ, thực tế họ phải trả từ 2% - 3% phí cho mỗi giao dịch nếu khách hàng sử dụng thẻ tín dụng hay từ 2,2% đến 2,9% mỗi giao dịch, và 0,3 USD với người mua sử dụng paypay. Các đơn vị này cho rằng, hệ thống thanh toán Bitcoin sẽ có chi phí thấp hơn so với thanh toán thẻ. Điều này không chỉ có lợi đối với các chủ cửa hàng mà còn kích thích người tiêu dùng mua sắm, sử dụng dịch vụ nhiều hơn.

Bitcoin đã chính thức được Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ hậu thuẫn. Chủ tịch Ben Bernanke cho biết: "Chúng tôi sẽ cân nhắc Bitcoin như một loại tiền tệ và sử dụng trong hệ thống thanh toán quốc tế."

Đức là nước đầu tiên công nhận Bitcoin là tiền hợp pháp, cho phép sử dụng để trả thuế, mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, Bitcoin không được xếp vào tiền điện tử hay ngoại tệ mà giống như công cụ tài chính, chịu các quy tắc ngân hàng Đức. Theo tờ Die Welt của Đức, Chính phủ nhấn mạnh việc phân loại quy phạm pháp luật của Bitcoin đồng nghĩa với lợi thuận thương mại phát sinh từ việc sử dụng Bitcoin đều phải chịu thuế.

Bitcoin bắt đầu có giá trị chuyển đổi, hứa hẹn ngày càng thâm nhập sâu vào đời sống thật, kèm theo đó ẩn chứa cả những rủi ro trên một thị trường tiền tệ ảo không được kiểm soát.

Rủi ro về an ninh

Vì Bitcoin là đồng tiền phi chính phủ, phi ngân hàng nên việc quản lý và bảo đảm cho người sở hữu bitcoin là rất khó khăn. Rủi ro lớn nhất là nó bị ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia phủ nhận. Nếu hệ thống đồng tiền ảo ngày ngừng hoạt động, đồng nghĩa với việc những người sở hữu có thể bị trắng tay, bởi không có ai chịu trách nhiệm bồi hoàn.

Bên cạnh đó, Bitcoin còn là miếng mồi ngon của tin tặc và trở thành công cụ thanh toán của thị trường chợ đen trên mạng. Một báo cáo do tiến sỹ Ittay Eyal và giáo sư Emin Gün Sirer của Đại học Cornell phát hành hồi đầu tháng 11 cho thấy, đang tồn tại một lỗ hổng trong cơ chế “đào” Bitcoin mà có thể cho phép một nhóm quyền lực giở trò gian lận, thao túng đồng tiền ảo này.

Theo ông Chris Kinner, giám đốc công ty nghiên cứu Balatro ở London, các ngân hàng lo vấn đề rửa tiền. Trong khi đó, dưới góc nhìn của nhà chức trách, Bitcoin có thể đồng hành với trốn thuế, chuyển tiền cho các tổ chức khủng bố, buôn ma túy.

Tháng 10/2013, Chính phủ Mỹ ra lệnh đóng cửa trang web Silk Road và tạm giam Ross Ulbricht do bị tình nghi là chủ mưu và vận hành trang web lớn nhất thế giới về mua bán các mặt hàng cấm như chất gây nghiện, súng ống, tranh ảnh đồi trụy trẻ em... và dịch vụ thuê sát thủ. Bitcoin là đồng tiền thanh toán duy nhất được chấp nhận trên trang web này. Cơ quan điều tra đã thu giữ lượng Bitcoin kỷ lục, lên tới 26.000 Bitcoin.

Giới chức trách lo ngại, những nhà đầu cơ đang tìm cách chuyển đồng tiền bí mật ra nước ngoài, đây mới là yếu tố đẩy giá bitcoin lên nhanh như hiện nay. Hiện Chính phủ Mỹ đã nghe điều trần về Bitcoin và sẽ có những biện pháp siết chặt nó. Chính phủ các nước Pháp, Ấn Độ, hay như cả Ngân hàng trung ương Châu Âu cũng đã cảnh báo về đồng tiền ảo này.

Ngân hàng Trung ương Phần Lan kết luận, Bitcoin không đáp ứng định nghĩa của một đồng tiền, thậm chí là một phương thức thanh toán điện tử. Vì vậy, đồng tiền ảo này đã được Phần Lan coi là một loại hàng hóa.

Mạnh tay hơn như Trung Quốc, hồi đầu tháng 12/2013 đã quy định cấm giao dịch bằng đồng Bitcoin. Tại Thái Lan, mọi giao dịch mua bán, chuyển đổi liên quan tới Bitcoin đều bị coi là phạm pháp, bởi ngân hàng trung ương nước này xác định đây không phải là một loại tiền tệ.

Patrick M. Byrne, Giám đốc điều hành trang bán lẻ trực tuyến Overstock.com cho biết, công ty đã quyết định tạm dừng kế hoạch chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin cho đến khi các vấn đề pháp lý xung quanh tiền ảo được làm rõ.

Nguy cơ bị lũng đoạn

Những điểm yếu của hệ thống có thể bị thợ “đào” Bitcoin lợi dụng. Trước đây, cộng đồng mạng chỉ dùng máy tính bình thường để làm việc ghi nhận giao dịch vào sổ cái. Nay cuộc chạy đua trang bị máy ngày càng mạnh để khai thác Bitcoin, trong đó có cả dân chơi trang bị dàn máy tính chuyên nghiệp, chạy suốt 24/24 giờ.

Nếu một nhóm đào Bitcoin sở hữu 50% đồng tiền ảo này thì tất cả các giao dịch sau đó sẽ bị lũng đoạn, giá sẽ lao dốc và đế chế tiền này tự sụp đổ. Một nhóm đủ mạnh có thể kiểm soát Bitcoin không khác gì những đồng tiền được cung cấp và kiểm soát bởi một ngân hàng trung ương mạnh, họ có thể dễ dàng “làm giá” tiền ảo bằng cách bơm thêm hoặc găm giữ Bitcoin. Tập trung quyền lực có thể khiến toàn hệ thống sụp đổ.

Giải pháp ngăn chặn khả năng lũng đoạn thị trường tiền ảo được các chuyên gia đưa ra là áp dụng qui tắc đào Bitcoin mới bằng một bản cập nhật phần mềm, theo đó tổng mức Bitcoin của một nhóm không được vượt quá một phần tư tổng số Bitcoin của toàn cộng đồng.

Giới chức châu Âu thường xuyên cảnh báo về các rủi ro có thể gặp phải khi dùng loại tiền này thay cho tiền thật. Anh hiện đánh thuế 20% lên việc mua bán Bitcoin, do lo ngại nó có thể được dùng để rửa tiền và trốn thuế.

Trên thế giới, luật pháp của hầu hết các quốc gia đều cấm các tổ chức hay cá nhân phát hành một đồng tiền song song với đồng tiền quốc gia. Ngoài khía cạnh chính trị, văn hóa, một nguyên nhân kinh tế của việc Nhà nước độc quyền phát hành tiền liên quan đến hệ thống thuế quốc gia.

Đối với giao dịch qua Bitcoin, sẽ rất khó khăn cho cơ quan thuế điều tra hay theo dõi các hoạt động kinh tế trong hệ thống Bitcoin.

Tại Việt Nam, đồng Bitcoin chưa được các cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận. Thị trường tài chính sẽ bị ảnh hưởng khi các giao dịch không phản ánh bằng đồng tiền chính thức. Ngoài ra, tại Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) số 46/2010/QH12 ngày 16/6/2010 qui định, NHNN Việt Nam là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy và tiền kim loại của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hiện nay, giao dịch bằng đồng Bitcoin cũng giống như mua - bán tài sản ảo trên mạng, nếu xảy ra tranh chấp hoặc thiệt hại, không có cơ quan nào đứng ra giải quyết. Do Bitcoin là hệ thống tiền ảo mới và các cơ quan quản lý phải theo dõi để xem xét, nên giao dịch Bitcoin bị coi là phạm pháp, vì vậy, các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng./.

Nguồn:

http://en.wikipedia.org/wiki/Bitcoin

http://www.bloomberg.com/news/2014-01-27/bitcoin-crime-risk-sparks-warning-at-biggest-nordic-forex-trader.html

http://baodientu.chinhphu.vn/Quocte/Can-than-trong-voi-he-thong-tien-te-Bitcoin/191859.vgp

http://vef.vn/mo-tam-nhin/2014-01-25-ham-ho-bitcoin-tien-ao-de-chet-that

http://vef.vn/tranh-luan-online/2014-01-25-vuot-qua-tuong-ao-bitcoin-bung-no-trong-doi-thuc