Lãnh đạo tài chính các nước tìm cách thúc đẩy kinh tế thế giới

Tại Hội nghị thường niên mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - Ngân hàng Thế giới (WB) khai mạc vào ngày 14/04 tại thủ đô Washington (Mỹ), các bộ trưởng tài chính và giới lãnh đạo các ngân hàng trung ương đến từ 189 nước thành viên dự kiến đã thảo luận về những biện pháp cấp thiết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng trên thế giới, trong bối cảnh những nguy cơ đe dọa nền kinh tế toàn cầu vẫn đang hiện hữu.

Hiện ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới tìm kiếm viện trợ từ IMF và WB. Do đó, tại hội nghị lần này, các nước thành viên IMF và WB đã vạch ra kế hoạch hành động cụ thể nhằm đảo ngược xu thế suy thoái. Theo đó các nước giàu cần đẩy mạnh chi tiêu và đầu tin vào cơ sở hạ tầng; trong khi các nước khác cần tiến hành tái cơ cấu và cải cách theo hướng thúc đẩy các hoạt động kinh tế.

Hội nghị cũng đã đề cập đến vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” hiện đang là tâm điểm của sự chú ý trên thế giới khi nó hé lộ về một vụ tham nhũng toàn cầu, cũng như những bí mật của giới nhà giàu. Giới chức IMF gọi đây là hành động “không thế chấp nhận được” của những nhân vật giàu có trong bối cảnh tại nhiều nơi trên thế giới, người dân được yêu cầu phải đóng góp nhiều hơn vào hệ thống tài chính công.

Trước đó, trong báo cáo "Triển vọng Kinh tế thế giới," IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2016 xuống còn 3,2% và đây là quý thứ ba liên tiếp thể chế tài chính này hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu.

Năm nước châu Âu hợp tác chống nạn trốn thuế sau vụ "Hồ sơ Panama"

Sau khi vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” phơi bày những chiêu thức mà những người giàu có và quyền lực nhất thế giới đã sử dụng để che giấu tài sản và tìm cách trốn thuế, Anh cùng với 4 nước gồm: Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy ngày 15/04 đã công bố một quy định mới về minh bạch thuế để đối phó với vấn nạn trốn thuế. Quy định mới dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 01/2017.

Dẫn thông tin từ tờ The Guardian (Người bảo vệ) cho hay, theo quy định mới, các thông tin về chủ nhân thực sự của các công ty "vỏ bọc" hay còn gọi là các công ty "lá chắn" và các quỹ tín thác hải ngoại, sẽ được chia sẻ một cách tự động. Đây được coi là biện pháp đối phó với việc các tổ chức và cá nhân trốn thuế và che giấu tài sản ở những nơi được coi là "góc khuất" của hệ thống tài chính.

Các cường quốc dầu mỏ họp bàn "đóng băng" sản lượng để nâng giá

Ngày 17/04, các nước sản xuất dầu mỏ lớn trong và ngoài Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhóm họp tại thủ đô Doha của Qatar để thảo luận về khả năng "đóng băng" sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Saudi Arabia và Iran, hai cường quốc xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, đang có nhiều bất đồng sâu sắc, đe dọa phủ bóng đen lên các cuộc đàm phán.

Bộ Dầu mỏ Iran khẳng định nước này không tham gia kế hoạch "đóng băng" sản lượng chừng nào Tehran chưa khôi phục được mức sản lượng như trước khi bị cấm vận.

Trước cuộc họp ở Doha, OPEC đã hạ dự báo về sức tăng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới trong năm nay và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm. Giá dầu thô đã giảm giá khoảng 60% kể từ giữa năm 2014 trong bối cảnh nguồn dư cung lớn mà một trong những nguyên nhân là do OPEC từ chối cắt giảm sản lượng. Giá dầu sụt giảm khiến các nước sản xuất dầu bị thiệt hại hàng trăm tỷ USD, dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách lớn.

Tổng Giám đốc IMF khẳng định sẽ không "bỏ mặc" Hy Lạp

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 14/04 khẳng định, cơ quan này sẽ không “bỏ mặc” Hy Lạp, trong bối cảnh Athens đang chật vật thương thảo với Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề cải cách kinh tế để được giải ngân khoản cứu trợ tiếp theo.

Tuy nhiên, bà Lagarde không nói cụ thể IMF sẽ can dự như thế nào. Bà Lagarde chỉ nói cách thức tham gia của tổ chức này có thể thay đổi và theo các hình thức khác nhau, tùy thuộc vào cam kết của Hy Lạp và định hướng của các đối tác châu Âu.

IMF đã “bắt tay” hợp tác với EU trong hai gói cứu trợ dành cho Hy Lạp trước đây, nhưng nói sẽ không tham gia vào chương trình cứu trợ thứ ba nếu (Athens) không thực hiện những cải cách triệt để và một thỏa thuận với các bên để làm dịu gánh nặng về nợ cho Hy Lạp.

Để nhận được cứu trợ, IMF cho rằng cần đưa ra những con số cụ thể và thực tế với các biện pháp mang tính bền vững.

Quá trình cân nhắc việc cứu trợ cho Hy Lạp đã kéo dài nhiều tháng qua do bất đồng giữa các chủ nợ về sự tiến bộ của kinh tế Hy Lạp./.