Lãnh đạo của các cường quốc sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới

Trước cuộc họp thất bại này, các nước đã đề xuất giữ sản lượng khai thác dầu ở mức của tháng 1 cho đến ít nhất tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, đàm phán Doha đổ vỡ cũng là trường hợp không nằm ngoài dự đoán khi Iran đã quyết định không tham dự cuộc họp quan trọng này vào phút chót. Tehran kịch liệt phản đối ý tưởng bình ổn sản lượng bởi nước này đang toan tính giành lại thị phần đã bị mất sau khi được phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Ông Dmitry Marinchenko, người đứng đầu bộ phận xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp thuộc hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tại London, cho biết Saudi Arabia nhiều lần nhấn mạnh rằng nước này sẽ không đồng ý “đóng băng” sản lượng nếu Iran không có hành động tương tự.

Về phần mình, Tehran không muốn áp dụng biện pháp trên do sản lượng dầu của Iran chưa đạt được mức như hồi trước khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Tại cuộc họp ở Doha, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Mohammed bin Saleh al-Sada cho biết, sau sáu giờ đàm phán, các nước khai thác dầu mỏ đều tuyên bố rằng họ cần "thêm thời gian."

Ông cũng nói thêm rằng, sự tham gia của Iran sẽ làm cho kế hoạch "đóng băng" sản lượng hiệu quả hơn, giúp thị trường tái cân bằng.

Vấn đề “đóng băng” sản lượng dầu sẽ được thảo luận tại cuộc họp của OPEC tại Vienna vào tháng 6/2016 tới. Nếu các nước OPEC đạt được thỏa thuận thì những quốc gia không thuộc nhóm này cũng có thể tham gia đàm phán.

Ngay sau khi cuộc họp Doha, giá dầu trên thị trường đã lao dốc, giảm hơn 5% trong các phiên giao dịch sáng 18-4 tại Châu Á. Cụ thể, giá dầu thô Mỹ giảm 5,62% xuống còn 38,05 USD/thùng, dầu thô Brent giảm 5,22% xuống 40,85 USD/thùng. Và khi quân bài domino đầu tiên được kích hoạt, giá cổ phiếu năng lượng cũng theo đó lao dốc. Tại Nhật Bản, cổ phiếu Japan Petroleum giảm 6%, Inpex giảm 7,39%... Nhìn chung, không còn nghi ngờ gì về việc giá dầu sẽ còn chịu những áp lực nặng nề trong thời gian tới.

Trong đó, ngoài sự dư thừa về nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu yếu ớt, cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia sẽ làm trầm trọng thêm cuộc chiến giành thị phần trên thị trường năng lượng. Các chuyên gia không loại trừ khả năng giá dầu sẽ lập thêm các mức kỷ lục sụt giảm mới. Trước mắt, mọi sự chú ý sẽ được hướng đến cuộc họp của các nước thành viên OPEC vào tháng 6 tới, nơi tổ chức này có thể buộc phải ra tay trước khi "bi kịch" xảy ra.

Theo Bloomberg, kể từ khi giá dầu bắt đầu lao dốc tháng 11/2014, các nước đã mất 315 tỷ USD - tức khoảng 20% dự trữ ngoại hối. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ mà còn ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ quốc tế và các quỹ đầu cơ, vì thông thường các quốc gia xuất khẩu dầu sẽ tích trữ trái phiếu kho bạc Mỹ và các tài sản có tính thanh khoản cao khác. Abhishek Deshpande, chuyên gia phân tích dầu mỏ đến từ Natixis, nhận định, năm nay sẽ tiếp tục là một năm đầy khó khăn đối với hầu hết các quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ./.

OPEC là một tổ chức gồm 12 nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, trong đó có Saudi Arabia, Venezuela, Qatar, Iran và Iraq. Tổ chức này ra đời nhằm thúc đẩy hoặc kìm hãm nguồn cung dầu mỏ với mục đích đảm bảo mức giá ổn định sao cho có lợi cho các nước thành viên.