ECB yêu cầu các ngân hàng chuẩn bị cho kịch bản "Brexit"

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã yêu cầu các ngân hàng lớn trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chuẩn bị sẵn kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp Anh rời khỏi EU, còn gọi là "Brexit."ECB đã gửi thông tin nêu trên tới một ngân hàng ở Anh để cảnh báo nguy cơ xảy ra những cơn sốc với thị trường trong trường hợp "Brexit."

Theo một phát ngôn viên ECB, ngân hàng này hiện đang giữ liên hệ chặt chẽ với các ngân hàng liên quan để có thể có phản ứng một cách phù hợp về nguy cơ cũng như hậu quả của "Brexit." Các ngân hàng cần chuẩn bị tốt trước nguy cơ "Brexit," phản ứng với các cú sốc thị trường và những thay đổi khác liên quan.

Thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản cao nhất trong 5 năm

Bộ Tài chính Nhật Bản vừa cho hay thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong tài khóa 2015 đã tăng lên 17.980 tỷ Yen (166 tỷ USD), mức cao nhất trong 5 năm qua, trong bối cảnh cả xuất khẩu và nhập khẩu giảm lần lượt 3,3% và 11,8% xuống các mức tương ứng 73.140 tỷ Yen và 72.510 tỷ Yen.

Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, nước này đạt được kết quả tích cực trên là nhờ lượng du khách nước ngoài đến “xứ hoa anh đào” tăng và giá dầu rẻ.

Số liệu thống kê cho hay ngành du lịch của Nhật Bản đạt thặng dư 1.270 tỷ Yen (11,7 tỷ USD) trong tài khóa 2015, gấp 5 lần tài khóa trước đó và là mức cao nhất kể từ khi số liệu được thông kê vào năm 1996. Lượng du khách nước ngoài tới Nhật Bản trong tài khóa 2015 đã tăng 45,6% so với tài khóa trước đó, lên 21,36 triệu lượt khách.

Trung Quốc tiếp tục bơm hơn 12 tỷ USD vào thị trường tài chính

Ngày 11/5, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã "bơm" thêm tiền vào thị trường nhằm giảm tình trạng căng thẳng về khả năng thanh khoản. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Trung Quốc triển khai bước đi này.

Theo Tân Hoa xã, PBOC đã cung thêm 80 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 12,3 tỷ USD) thông qua Thỏa thuận bán và mua lại cổ phiếu (repo) trong đầu tư ngắn hạn - một quá trình mà theo đó các ngân hàng trung ương mua cổ phiếu của các ngân hàng thông qua thỏa thuận bán lại chúng trong tương lai.

Trong một tuyên bố, PBOC cho biết hợp đồng bán và mua lại cổ phiếu lần này có kỳ hạn bảy ngày và giữ nguyên mức lãi suất 2,25% trong lần cung cấp thêm 70 tỷ Nhân dân tệ một ngày trước đó.

Kinh tế Nga bị thiệt hại nặng nề do các biện pháp trừng phạt

Theo bài viết chung của các chuyên gia kinh tế Constantine Kholodilin thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Đức DIW Berlin và Aleksei Netsunaev thuộc Đại học Tự do Berlin, nền kinh tế Nga thiệt hại trung bình 2% GDP mỗi quý do các biện pháp trừng phạt của Phương Tây.

Báo cáo chung được công bố hồi tháng trước của hai nhà nghiên cứu trên cho rằng hậu quả, mà cụ thể là những thiệt hại về tăng trưởng kinh tế trong suốt hai năm kể từ cuộc chiến trừng phạt đối với Nga là rất đáng kể.

Theo báo cáo, GDP thực tế của Nga đã giảm 4,1% từ quý II/2014, khi các biện pháp trừng phạt lần đầu tiên được áp đặt, cho tới quý 3/2015 (thời điểm gần nhất được sử dụng trong nghiên cứu), trong khi (nếu không có các biện pháp trừng phạt), kinh tế Nga trong thời gian đó có thể tăng trưởng 6,9%.

Như vậy thiệt hại về tăng trưởng kinh tế 11% có thể xem như "giới hạn tổn thất trần do các biện pháp trừng phạt”./.