OPEC quyết định không thay đổi chính sách sản lượng

Cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) diễn ra ngày 2/6 tại thủ đô Vienna của Áo đã khép lại, với việc các nước thành viên quyết định không thay đổi chính sách sản lượng. Đây là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong OPEC, tổ chức chiếm tới 1/3 tổng sản lượng dầu thô toàn cầu.

Tại cuộc họp, các nước thành viên OPEC đã thảo luận đề xuất của Saudi Arabia về việc thi chính sách hạn ngạch chung của tổ chức này nhằm vực dậy giá dầu, vốn đã giảm mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sản xuất thành viên, nhất là Iran, đã không nhất trí với sáng kiến của Riyadh.

Theo đề xuất do tân Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Khalid al-Falih đưa ra, hạn ngạch sản lượng chung của OPEC sẽ được duy trì ở mức trần từ 31,8-32,5 triệu thùng/ngày, giảm so với mức sản lượng 32,77 triệu thùng/ngày hiện nay.

Mặc dù OPEC không đạt được sự đồng thuận về "đóng băng" sản lượng, song Saudi Arabia vẫn cam kết không bơm thêm dầu ra thị trường. Còn Iran quả quyết rằng nước này có quyền tăng mạnh sản lượng, với mục tiêu giành lại thị phần đã mất do bị cấm vận.

ECB quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục

Trong cuộc họp ngày 2/6, ECB vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản, đồng thời tiếp tục duy trì sự hiệu quả của hàng loạt biện pháp nới lỏng mới hồi tháng 3 vừa qua.

Theo người phát ngôn ECB, Hội đồng điều hành ECB đã nhất trí không thay đổi lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức âm 0,4%, cũng như lãi suất tái cấp vốn ở mức thấp kỷ lục 0%.

Ngoài ra, trong cuộc họp này, ECB cũng tăng nhẹ dự báo tăng trưởng và lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm nay, song giữ nguyên mức dự báo của 2 năm tới. Theo ECB, lạm phát của Eurozone trong năm 2016 này ở mức 0,2%, sau đó tăng mạnh lên 1,3% trong năm tới và 1,6% năm 2018. Trong khi đó, Eurozone dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 1,6% trong năm nay và 1,7% trong 2 năm tiếp theo (2017 và 2018).

Kinh tế Mỹ tăng trưởng khiêm tốn do tiêu dùng trì trệ

Theo báo cáo Beige Book (Sách Be) của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), phần lớn các khu vực kinh tế chủ chốt của Mỹ chỉ ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn trong giai đoạn tháng 4-5 do chi tiêu tiêu dùng "dậm chân tại chỗ."

Mặc dù vậy, nhìn chung triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn có những điểm sáng nhất định trong một số lĩnh vực trong khi thị trường việc làm cũng phần nào được cải thiện, qua đó thắp lên hy vọng về xu hướng tăng lương trong thời gian tới cho người lao động.

Cũng theo tài liệu này, tại thành phố Atlanta và Richmond, các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong việc tuyển dụng những lao động có tay nghề cao làm việc trong các lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhiều. Thậm chí, cả những đối tượng lao động có kỹ năng thấp cũng không còn “dễ kiếm” như xưa.

OECD cảnh báo nguy cơ thế giới sa vào "bẫy tăng trưởng thấp"

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế công bố hai lần mỗi năm, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 1/6 cảnh báo thế giới có nguy cơ rơi vào "bẫy tăng trưởng thấp," trừ phi chính phủ các nước nhanh chóng tăng chi tiêu.

Theo nhà kinh tế trưởng của OECD, Catherine Mann, sự phục hồi yếu kể từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã tạo ra "bẫy tăng trưởng thấp". Bà cho rằng nếu không có một hành động tập thể, thống nhất và toàn diện, tình trạng tăng trưởng thấp sẽ kéo dài. Bà cho biết sau nhiều năm các tổ chức kinh tế quốc tế hối thúc các chính phủ thực hiện việc thắt chặt chi tiêu, nay chính sách tài chính phải được nới lỏng hơn.

Bà nói yêu cầu tăng chi với các chính phủ là cấp bách và cho rằng chừng nào kinh tế toàn cầu mắc kẹt trong "bẫy tăng trưởng thấp" càng lâu, việc chấm dứt các tác động tiêu cực của nó, hồi sinh các lực lượng thị trường và đưa các nền kinh tế tới con đường tăng trưởng cao càng khó khăn./.