Các nước cảnh báo Trung Quốc

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La 2016) đã kết thúc mới đây và đúng như những gì dự đoán, vấn đề Biển Đông đã nóng từ đầu đến cuối.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã cảnh báo Trung Quốc về hành vi khiêu khích của nước này ở Biển Đông và cho rằng bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm cải tạo bãi cạn Scarborough trên vùng biển tranh chấp sẽ dẫn tới nhiều hậu quả.

Ông Carter nói: “Tôi hy vọng việc này sẽ không xảy ra, bởi nó sẽ dẫn tới việc Mỹ và các nước khác trong khu vực tiến hành các hành động sẽ không chỉ làm gia tăng căng thẳng mà còn gây cô lập Trung Quốc. Mỹ sẽ vẫn là quân đội hùng mạnh nhất và là nhân tố chính yếu đảm bảo an ninh khu vực trong nhiều thập kỷ tới - và điều này là không thể nghi ngờ”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter

Biển Đông đã trở thành điểm nóng giữa Mỹ - nước đang xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương - và Trung Quốc - nước đang phô trương sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự lớn hơn bao giờ hết trong khu vực. Tuy nhiên, ông Carter nói rằng ông sẽ hoan nghênh việc Trung Quốc tham gia “mạng lưới an ninh dựa trên nguyên tắc” của châu Á. Ông phát biểu: “Các nhà lãnh đạo cấp tiến phải… ngồi lại cùng nhau để đảm bảo một tương lai tốt đẹp dựa trên các nguyên tắc”, nói thêm rằng mạng lưới mà ông đang vạch ra cũng có thể giúp bảo vệ khu vực trước “các hành động đáng lo ngại của Nga” và ảnh hưởng ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu.

Ông Carter cũng nhận xét rằng trong nhiều thập kỷ qua, một số người đã dự đoán việc Mỹ sẽ rút khỏi khu vực này, song điều đó sẽ không xảy ra: “Lý do là bởi khu vực này, nơi sinh sống của gần một nửa dân số thế giới và chiếm gần một nửa sản lượng kinh tế toàn cầu, vẫn đóng vai trò quan trọng nhất đối với an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ”.

Lãnh đạo các nước châu Á cũng cho rằng các nước trong khu vực xem tình hình Biển Đông là vô cùng đáng lo ngại. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar nhận định: “Tất cả các nước trong khu vực cần thừa nhận rằng sự thịnh vượng chung của chúng ta và tốc độ tăng trưởng ‘đáng ghen tị’ của khu vực trong những thập kỷ qua sẽ đối mặt với những rủi ro bởi các hành động khiêu khích của bất kỳ nước nào trong số chúng ta”.

Về phía Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani nói rằng Tokyo sẽ giúp các quốc gia Đông Nam Á tăng cường khả năng bảo đảm an ninh để đối phó với cái mà ông gọi là các hành động đơn phương, nguy hiểm và cưỡng ép trên Biển Đông. “Tại Biển Đông, chúng ta đang chứng kiến hành động cải tạo đất, xây dựng các tiền đồn và sử dụng chúng cho mục đích quân sự... Không một nước nào có thể đứng ngoài cuộc trong vấn đề này”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein tuyên bố: “Sự mập mờ về hướng đi trong tương lai của Trung Quốc được cho là nguyên nhân chính gây lo ngại sẽ xảy ra đối đầu quân sự”.

Việt Nam cần dựa vào sức mình để bảo vệ lợi ích dân tộc

Tại phiên họp toàn thể với chủ đề “Những thách thức trong giải quyết xung đột”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Trưởng đoàn Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La có bài phát biểu quan trọng nêu bật vai trò ngày càng quan quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà trong đó, cộng đồng ASEAN đã trở thành một nhân tố tích cực.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Trưởng đoàn Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: “Lợi ích quốc gia dân tộc cần được nhìn nhận một cách khách quan, phù hợp, có cơ sở vững chắc và được đặt trong mối quan hệ hài hòa với lợi ích của các quốc gia khác và của cộng đồng quốc tế. Tránh đơn phương áp đặt, không tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác cũng như hòa bình, ổn định khu vực và trên toàn thế giới”; và nhấn mạnh “cần coi trọng sự đoàn kết, vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN và trách nhiệm của các quốc gia thành viên, cũng như các quốc gia liên quan, đặc biệt là các nước lớn vì hòa bình và công lý”.

Đồng thời, Tướng Vịnh khẳng định, trong bối cảnh tình hình phức tạp như vậy, Việt Nam kiên quyết giữ vững độc lập, tự chủ và coi đây là nguyên tắc cao nhất, vừa hợp tác vừa đấu tranh để phát triển cũng như giải quyết tranh chấp, bất đồng. Việt Nam dựa vào sức mình là chính để bảo vệ các lợi ích quốc gia, dân tộc, không đi với nước này để chống nước khác.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bùi Văn Nam, Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ các nỗ lực hành động tích cực hợp pháp của tất cả các nước, góp phần duy trì hòa bình, an ninh khu vực đảm bảo tự do đi lại trên biển, an toàn hàng hải, an ninh khu vực, an toàn hàng không, an toàn không gian mạng trên không, an toàn dưới mặt nước biển và an toàn môi trường biển.

Trên cơ sở này, Việt Nam cam kết tham gia tích cực cùng các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường đảm bảo an ninh khu vực thông qua các diễn đàn khu vực và quốc tế như EAS, ADMM, ADMM+, ARF; tiếp tục phát huy sự đồng thuận có tính trung tâm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Thứ trưởng Bùi Văn Nam cũng đề nghị các bên cần tích cực tìm kiếm các công cụ giúp hạn chế nguy cơ và va chạm trên biển như thiết lập các đường dây nóng, thống nhất các quy tắc ứng xử trong tình huống đột xuất, bất ngờ, đáng lưu ý gần đây là ý tưởng đề xuất cơ chế phối hợp tuần tra chung giữa các lực lượng hải quân, chấp pháp của các nước ASEAN.

Việt Nam nhấn mạnh việc tuân thủ các quy tắc nhằm tránh xảy ra va chạm vũ trang trên biển, trên vùng trời ngoài biển, ở tầng dưới mặt nước biển, lòng biển, môi trường biển, hoạt động của tàu ngầm quân sự; coi trọng hơn nữa các cơ chế hình thức hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển nhất là hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển, ứng phó với thảm họa, thiên tai, hợp tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, phối hợp phòng chống các loại tội phạm trên biển đang nổi lên ở khu vực...

Việt Nam ủng hộ việc trao đổi, chia sẻ thông tin tích cực, chủ động mạnh mẽ trong nội bộ các nước ASEAN, với các đối tác và các bên có liên quan, với các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ… nhằm duy trì hòa bình, an ninh tại Đông Nam Á cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.


Kể từ Shangri-La năm 2015, Trung Quốc tiếp tục gia tăng hàng loạt động thái nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông như hoàn thành việc xây dựng các đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa, triển khai các dự án quân sự gây quan ngại cho các quốc gia trong khu vực. Điều này tiềm ẩn những nguy cơ có thể dẫn tới những va chạm, xung đột quân sự. Vì các tuyến đường hàng hải trên Biển Đông lâu nay vẫn được xem như huyết mạch giao thương kinh tế quan trọng.

Vị trí chiến lược ngay tại cửa ngõ Đông Nam Á cũng khiến vùng biển này nắm giữ vai trò trọng yếu không chỉ đối với hòa bình và an ninh khu vực mà còn trên toàn thế giới. Nhìn ở một khía cạnh khác, Biển Đông còn là một mắt xích trọng yếu trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa một bên là Mỹ cùng các nước đồng minh và một bên là Trung Quốc tại Châu Á - Thái Bình Dương. Điều này tác động không nhỏ đến các mối quan hệ song phương và đa phương trong khu vực, đặc biệt là việc cả Washington và Bắc Kinh đều đang theo đuổi những tầm nhìn chiến lược riêng đối với khu vực này.

Trong báo cáo nghiên cứu được công bố ngày 2/6/2016, Cơ quan cố vấn an ninh HIS Janes's cho biết, căng thẳng trên Biển Đông sẽ đẩy chi tiêu quốc phòng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lên gần 25% vào năm 2020, tương đương khoảng 533 tỷ USD, so với năm 2015. Trong bối cảnh như vậy, các quốc gia sẽ đối mặt với rất nhiều nguy cơ an ninh. Đáng lo ngại nhất là sự suy giảm về lòng tin sẽ ngăn cản các bên cùng theo đuổi mục đích chung, khiến khả năng hợp tác, hóa giải các xung đột rơi vào bế tắc.