Liên minh châu Âu nhất trí nhiều biện pháp chống trốn thuế

Liên minh châu Âu (EU) ngày 21/6 đã nhất trí về một loạt các biện pháp chống trốn thuế nhằm ngăn chặn các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận đến các nước có mức thuế thấp.

Trong số các biện pháp đã được nhất trí có quy định được thắt chặt hơn nhằm phanh phui các công ty bình phong được các công ty lớn và người giàu sử dụng để trốn thuế.

Các biện pháp này của châu Âu phù hợp với các quy định mới về vấn đề chống trốn thuế đã được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới đưa ra.

Singapore đưa đồng Nhân dân tệ vào danh sách dự trữ ngoại tệ

Đài Bắc Kinh đưa tin Cơ quan Quản lý tài chính-tiền tệ Singapore ngày 22/6 tuyên bố sẽ đưa đồng Nhân dân tệ vào danh sách đồng tiền dự trữ ngoại tệ của chính phủ. Chính sách này sẽ được thực thi từ tháng Sáu.

Theo cơ quan trên, biện pháp này được đưa ra là vì việc cải cách tiêu chuẩn hóa thị trường tài chính-tiền tệ của Trung Quốc tiếp tục ổn định, cũng như mức độ chấp nhận của thị trường quốc tế đối với đồng Nhân dân tệ không ngừng được nâng cao.

Cơ quan này nêu rõ, một năm qua, Bắc Kinh đã áp dụng hữu hiệu biện pháp nới lỏng tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ và tạo nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường tiền tệ, trái phiếu của Trung Quốc.

Ấn Độ công bố các biện pháp cải cách đầu tư trực tiếp nước ngoài

Ngày 20/6, Ấn Độ công bố nới lỏng hàng loạt quy định đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) về hàng không dân dụng, quốc phòng và một số lĩnh vực khác, trong nỗ lực mở cửa nền kinh tế và thu hút vốn đầu tư.

Chính phủ Ấn Độ đã quyết định nới lỏng 9 khu vực kinh tế, bao gồm cho phép các công ty nước ngoài sở hữu toàn bộ các hãng hàng không địa phương, đồng thời nới lỏng các quy định về đầu tư vào xây dựng và hiện đại hóa sân bay của Ấn Độ.

Về đầu tư vào quốc phòng, mức trần vốn đầu tư nước ngoài được tăng lên 100% so với mức 49% như quy định trước đây, nếu được Chính phủ Ấn Độ chấp thuận, trong trường hợp đầu tư đó cho phép Ấn Độ tiếp cận công nghệ hiện đại.

IMF hạ dự báo triển vọng kinh tế Mỹ trong năm 2016

Ngày 22/6, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo triển vọng kinh tế Mỹ trong năm 2016, với nhận định những thách thức dài hạn có thể đe dọa sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững của nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Trong báo cáo đánh giá về kinh tế Mỹ, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay đạt 2,2%, giảm 0,2% so với dự báo hồi tháng Tư, song vẫn giữ nguyên mức dự báo 2,5% cho năm 2017.

Theo IMF, những nguy cơ về đồng USD tăng giá, hoạt động đầu tư doanh nghiệp giảm và tăng trưởng toàn cầu có thể đặt ra những nguy cơ ngắn hạn đối với nền kinh tế Mỹ.

Đồng thời, IMF nêu bật 4 yếu tố thách thức tăng trưởng kinh tế Mỹ trong tương lai, bao gồm sự sụt giảm lực lượng lao động; tăng trưởng năng suất yếu; sự phân cực ngày càng tăng trong phân bổ thu nhập và của cải, và số người nghèo gia tăng.

Anh chọn rời EU

Với 51,89% phiếu đồng ý rời EU trong khi chỉ có 48,11% phiếu chọn ở lại, người dân Anh đã lựa chọn rời EU. Hầu hết những điểm bỏ phiếu ở Anh và Xứ Wales đều chọn rời EU. Ngược lại, khu vực Scotland và Bắc Ireland không muốn rời EU.

Đồng bảng Anh hôm nay đã mất giá mạnh nhất so với đồng USD kể từ năm 1985 do thị trưởng phản ứng với kết quả kiểm phiếu.Người dân Anh nếu chọn rời khỏi EU sẽ khiến Anh đi theo con đường vô định và là bước thụt lùi lớn nhất đối với nỗ lực tăng cường đoàn kết sau Thế Chiến II, theo Reuters.

Gần như ngay lập tức, các thị trường đã phản ứng một cách mạnh mẽ. Việc một thành viên rời khỏi tổ chức kinh tế như Brexit chưa từng có tiền lệ trong lịch sử và điều này cũng đồng nghĩa rằng khi nó xảy ra, biến động thị trường có thể xảy ra trên quy mô toàn cầu./.