IEA cảnh báo thế giới ngày càng phụ thuộc vào dầu mỏ từ Trung Đông

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cảnh báo thế giới đang ngày càng phải phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông.

Ngoài ra, việc giá dầu thô đứng ở mức thấp có thể khiến chính phủ các nước không kiểm soát được sự gia tăng nhu cầu dầu mỏ cũng như vấn đề tiết kiệm năng lượng.

Thống kê của IEA cho thấy các nước sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông hiện khai thác 31 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm khoảng 34% sản lượng toàn cầu, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1975.

Brexit không gây suy thoái kinh tế toàn cầu

Ngày 7/7, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde nhận định việc Anh lựa chọn rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đã gây ra những bất ổn đáng kể đối với kinh tế thế giới, song không chắc dẫn tới suy thoái toàn cầu.

Phát biểu tại trụ sở của IMF ở Washington khi bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai của mình, bà Lagarde thừa nhận Brexit là một "rủi ro lớn" đối với thế giới, song sự kiện này sẽ chỉ tác động trực tiếp tới nước Anh và tạo ra hiệu ứng dây chuyền đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Tuy nhiên, bà cảnh báo các tác động và rủi ro sẽ nghiêm trọng hơn nếu các nhà hoạch định chính sách của Anh và EU không sớm đưa ra một khuôn khổ và lộ trình rõ ràng cho Brexit.

Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng cao nhất trong 14 tháng

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 7/7 cho hay kho dự trữ ngoại tệ của nước này đã tăng 20 tỷ USD lên 3.210 tỷ USD vào cuối tháng Sáu – mức tăng cao nhất trong 14 tháng qua, bất chấp các lo ngại về khả năng thoái vốn sau khi PBoC hạ tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ xuống mức “đáy” trong 5 năm rưỡi.

Trước đó, trong tháng Năm, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm 30 tỷ USD xuống mức thấp nhất trong 5 năm.

Nga sử dụng nhiều tiền từ quỹ quốc gia bù đắp thâm hụt ngân sách

Cuộc khủng hoảng giá dầu thô đã khiến ngân sách Nga thâm hụt nặng nề. Giữa bối cảnh đó, rất có khả năng Nga sẽ cạn kiệt Quỹ Dự trữ (RF) trong năm 2017 do việc dùng tiền trong quỹ quốc gia này để bù đắp cho tình trạng thâm hụt ngân sách.

Bộ Tài chính Nga đã đệ trình lên Chính phủ bản kế hoạch, trong đó chỉ rõ Nga sẽ cạn kiệt RF trong năm 2017, đồng thời sẽ sử dụng khoảng 1/3 số tiền trong Quỹ Tiền tài quốc gia (NWF, trị giá 73 tỷ USD) để bù đắp cho thâm hụt ngân sách trong 3 năm tới.

Bản kế hoạch mà hãng tin Reuters có được cũng cho thấy Bộ Tài chính đã lên kế hoạch tăng khoản vay nội địa lên 1.290 tỷ ruble (khoảng 20 tỷ USD) trong năm 2017./.