Cơ chế giải quyết tranh chấp

Theo PGS, TS Nguyễn Thị Lan Anh, Phó khoa Luật Quốc tế, Học Viện Ngoại giao Việt Nam, tên gọi đúng nhất của tòa xét xử vụ việc Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông là Tòa Trọng tài Phụ lục VII Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Nhiều người gọi tòa xét xử vụ kiện của Philippines là Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA). Tuy nhiên, tên gọi này hoàn toàn không chính xác vì PCA có cơ chế hoàn toàn khác với cơ chế mà Philippines đang khởi kiện Trung Quốc. PCA là tòa trọng tài thường trực có trụ sở (đặt tại La Hay, Hà Lan) và quy chế hoạt động riêng. Đối tượng giải quyết tranh chấp của PCA là các tranh chấp giữa một bên là quốc gia và bên còn lại có thể là quốc gia, cá nhân, công ty hoặc tổ chức quốc tế. Điều quan trọng nhất đó là để kiện được ra PCA, các bên phải cùng đồng thuận ra tòa, còn trong vụ kiện do Philippines khởi xướng lần này, Trung Quốc không đồng thuận mặc dù Trung Quốc đã trao sự đồng thuận đó vào thời điểm gia nhập UNCLOS 1982.

Luật sư Philippines trình bày trước Tòa

Cơ chế Philippines khởi kiện Trung Quốc là Tòa trọng tài theo Phụ lục VII được thành lập trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Để vụ kiện có thể diễn ra, các bên phải hoàn thành một số nghĩa vụ trước đó, trong đó có việc trao đổi quan điểm nhằm giải quyết tranh chấp, hoặc không có một cơ chế nào khác để các bên có thể giải quyết tranh chấp ngoài cơ chế tòa trọng tài theo Phụ lục VII. Trong vụ kiện lần này, Philippines đã lập luận rằng giữa Philippines và Trung Quốc không tồn tại một cơ chế nào khác để giải quyết vấn đề này, còn đối với nghĩa vụ trao đổi quan điểm, Philippines và Trung Quốc cũng đã hoàn thành trước đó. Bắc Kinh và Manila đã có 17 năm trao đổi quan điểm về vấn đề Biển Đông và không đạt được kết quả nào khả quan, do đó cơ chế giải quyết tranh chấp theo Phụ lục VII là cơ chế bắt buộc.

Để giải quyết tranh chấp, Trung Quốc và Philippines có 4 lựa chọn: Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa Luật Biển Quốc tế (ITLOS), tòa theo Phụ lục VII và tòa theo Phụ lục VIII Công ước Luật Biển. Nếu các bên không lựa chọn hoặc lựa chọn khác nhau thì tòa mặc định sẽ là tòa theo Phụ lục VII. Do vậy, Philippines lập luận rằng cả Philippines và Trung Quốc đều là thành viên Công ước Luật Biển nên sẽ bị ràng buộc bởi cơ chế của công ước này. Ngoài ra, hai bên cũng đã trao đổi quan điểm trước đó nhưng không đạt được kết quả. Đồng thời, trong 4 cơ chế nêu trên, cả 2 nước đều không chọn bất kỳ cơ chế nào. Vì vậy tòa theo phụ lục VII là cơ chế mặc định.

Phán quyết cuối cùng

Chiều nay 12/7/2016, Tòa Trọng tài Phụ lục VII UNCLOS đã ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông sau hơn 3 năm thụ lý. Một trong những nội dung đầu tiên Tòa đưa ra là Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông.

“Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong đường chín đoạn”, phán quyết của toà nói. Toà khẳng định dù ngư dân Trung Quốc từng đến một số đảo trong quá khứ, nhưng trong lịch sử Trung Quốc chưa bao giờ "thực hiện quyền kiểm soát đặc quyền đối với vùng nước và nguồn tài nguyên xung quanh".

Sau hơn 3 năm thụ lý, Tòa đã chính thức bác ‘đường chín đoạn’ phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông

Theo Reuters, phán quyết 497 trang này cũng kết luận lực lượng tuần tra Trung Quốc có thể gây nguy hiểm đâm, đụng với tàu đánh cá và hoạt động xây dựng của họ gây ra tổn hại không thể phục hồi được đối với rạn san hô ở Biển Đông.

Đồng thời, toà tuyên bố không một cấu trúc nào ở Trường Sa có khả năng duy trì đời sống con người ở đó nên không điểm nào có vùng đặc quyền kinh tế hay vùng thềm lục địa. Theo chuyên gia Greg Polling của CSIS, Tòa cũng đã lường trước khả năng Trung Quốc thiết lập vùng quân sự khi nêu rõ: UNCLOS “không cho phép một nhóm đảo... thiết lập thành các khu quân sự tập thể”.

Được biết, Tòa Trọng tài Phụ lục VII UNCLOS khẳng định quyền tài phán với 7 trong 15 nội dung Philippines khởi kiện. Các nội dung này liên quan tới tính pháp lý của các đá và bãi cạn trên Biển Đông mà Trung Quốc đang chiếm đóng, bồi lấp nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền. Tòa cũng tiếp nhận đơn kiện của Manila về việc Trung Quốc cản trở ngư dân đánh bắt trên Biển Đông cũng như việc tàu công vụ Trung Quốc gây nguy hiểm với các tàu hành pháp Philippines trên các thực thể tranh chấp ở Biển Đông.

Liệu Trung Quốc có tuân thủ luật pháp quốc tế?

Tờ Wall Street Journal mới đây cho biết, theo những nguồn tin nội bộ, các quan chức Trung Quốc hiện đang nghiên cứu kỹ lưỡng vụ kiện của Nicaragua như một tiền lệ nhằm bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Phụ lục VII của UNCLOS. Đây là điều hiếm hoi, nhưng không phải chưa từng có tiền lệ. Đã từng có một sự kiện tương tự xảy ra trong quá khứ với bên bác bỏ phán quyết chính là Mỹ..

Năm 1986, Tòa án Quốc tế tại La Haye đưa ra phán quyết có lợi cho Nicaragua trong vụ kiện Mỹ đã hỗ trợ lực lượng nổi dậy Contra tại Nicaragua nhằm phá hoại chính quyền xã hội chủ nghĩa tại đây. Mỹ đã tẩy chay toàn bộ phiên tòa, cho rằng tòa không có quyền xét xử vụ kiện này, đồng thời từ chối tuân thủ phán quyết.

Mỹ sau đó còn dùng vai trò ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để bác bỏ một nghị quyết yêu cầu Mỹ tuân thủ phán quyết, dù đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua. Washington chỉ chịu dừng hỗ trợ lực lượng nổi dậy khi bị Quốc hội Mỹ ngăn cản vào năm 1988.

Vụ kiện Biển Đông của Philippines cũng là một trường hợp tương tự khi một nước nhỏ chống lại một láng giềng khổng lồ. Dù vậy, Trung Quốc sẽ sớm nhận ra rằng, dù họ có thể đàm phán với Philippines để tránh thực thi kết quả vụ kiện, nhưng họ vẫn sẽ phải đối mặt với một áp lực to lớn trong tham vọng hàng hải của mình.

Mỹ và các nước đồng minh sẽ tăng cường thách thức các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc thông qua các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP). Những nước có tranh chấp khác cũng có thể sẽ kiện Trung Quốc.

Cuối cùng, sau hàng chục năm đóng vai trò người ủng hộ các quốc gia nhỏ đang phát triển, Trung Quốc sẽ bị nhìn nhận là đang hành xử như một siêu cường chỉ quan tâm tới bản thân, hay đúng hơn là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và bất chấp luật pháp quốc tế.

Một số nguồn tin khác thì cho biết, Trung Quốc từng tuyên bố rằng nếu Tòa ra phán quyết không có lợi cho mình thì Bắc Kinh có thể rút khỏi UNCLOS 1982. Đây là phát biểu cho thấy Trung Quốc là quốc gia siêu cường nhưng vô trách nhiệm, chỉ mới phát triển nhưng đã muốn phá bỏ trật tự pháp lý quốc tế mà toàn cầu đang tuân thủ. Hành vi này có thể xem là bất cần với cộng đồng quốc tế.

Tara Davenport, nghiên cứu viên không thường trực tại Trung tâm Luật pháp Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore trên trang The Diplomat đánh giá, phương án Trung Quốc không tuân thủ phán quyết cuối cùng của Toà Trọng tài chắc chắn sẽ gây tổn hại đến vị thế của Trung Quốc với tư cách là một thành viên tuân thủ pháp luật của cộng đồng quốc tế. Nếu thêm vào đó mà từ bỏ một chế độ pháp lý lâu dài và được chấp nhận rộng rãi như UNCLOS có thể sẽ gây ra những hệ quả sâu rộng, đi ngược lại lợi ích quốc gia lâu dài của Trung Quốc. Việc Mỹ không phê chuẩn UNCLOS còn được dung thứ bởi vì Mỹ luôn tuân thủ theo cơ chế UNCLOS. Tuy nhiên, việc Trung Quốc từ bỏ UNCLOS sau khi tòa án kết luận hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là trái với UNCLOS sẽ không được chấp nhận theo cách tương tự./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/5784-vi-sao-trung-quoc-khong-nen-tu-bo-unclos

http://dantri.com.vn/su-kien/vu-kien-philippines-trung-quoc-tan-cong-truc-dien-vao-yeu-sach-duong-luoi-bo-20160712061044459.htm

http://vov.vn/the-gioi/ho-so/hanh-vi-cua-trung-quoc-tren-bien-dong-nhin-tu-nhung-quy-dinh-cua-luat-phap-quoc-te-326612.vov

http://thediplomat.com/2016/03/why-china-shouldnt-denounce-unclos/