Như vậy, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Theresa May sẽ kế nhiệm ông David Cameron và trở thành vị nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử của xứ sương mù, và sẽ là người gánh trách nhiệm đưa nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Bà May đã trở thành ứng viên duy nhất kế nhiệm Thủ tướng Cameron sau khi đối thủ của bà là Thứ trưởng Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Andrea Leadsom tuyên bố rút khỏi cuộc đua trở thành người đứng đầu đảng Bảo thủ và ứng viên Thủ tướng.

Theresa May sẽ kế nhiệm ông David Cameron trong cương vị mới

Trên cương vị mới, bà May sẽ gánh nhiệm vụ chèo lái con tàu nước Anh trong quá trình rút khỏi EU trước bối cảnh thị trường có độ bất ổn cao, trong đó đồng Bảng giao dịch ở gần mức thấp nhất trong hơn 3 thập niên. Bà cũng đã cảnh báo rằng nước Anh không nên tiếp tục cố gắng để đạt mục tiêu thặng dư ngân sách cho tới năm 2020.

Việc nước Anh tìm ra được một vị Thủ tướng mới đã tạm khép lại khoảng thời gian 3 tuần với một loạt diễn biến gây sốc. Sau khi cử tri Anh chọn rời EU vào hôm 23/6, thị trường tài chính toàn cầu đã chao đảo mạnh. Cùng với đó, chính sách đối ngoại của Anh cũng thay đổi, Thủ tướng Cameron từ chức, các thủ lĩnh Brexit - những người vốn được xem sẽ trở thành lãnh đạo mới của Anh - “bỏ của chạy lấy người”, và thủ lĩnh của Công đảng đối lập cũng đối mặt nguy cơ phải từ chức.

“Chúng ta sẽ có một vị Thủ tướng mới vào buổi tối ngày thứ Tư”, ông Cameron nói trong một tuyên bố ngắn gọn bên ngoài dinh Thủ tướng ở trung tâm London. “Bà ấy là một người mạnh mẽ, có năng lực và thừa khả năng lãnh đạo đất nước chúng ta trong những năm sắp tới.

Trong bối cảnh Anh lâm vào khủng hoảng chính trị với những rạn nứt xã hội sâu sắc sau trưng cầu dân ý Rời EU (Brexit), Theresa May được cho là đã thực hiện một chiến lược tranh cử khôn ngoan, khi nhấn mạnh mục tiêu đoàn kết nội bộ đảng, đoàn kết đất nước để đương đầu với những thách thức trước mắt.

Trong bài phát biểu ngày thứ Hai, bà Theresa May nhấn mạnh: "Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất của Đảng lúc này là đoàn kết. Chúng ta không phải là người rời đi hay người ở lại, chúng ta là những thành viên đảng Bảo thủ trong Chính phủ với nhiều công việc phải làm".

Nữ chính trị gia cũng tỏ ý sẽ tìm đến các nhân vật cấp cao như cựu Thị trưởng London Boris Johnson để xây dựng một nội các đoàn kết nếu thắng cử.

Theo giới quan sát, Theresa May là người duy nhất có khả năng tập hợp được phe phái xung khắc trong nội bộ đảng Bảo thủ. Mặc dù sát cánh cùng Thủ tướng David Cameron vận động cho phe Ở lại EU, nhưng sự hoài nghi châu Âu cùng với bản tính điềm tĩnh và kinh nghiệm chính trường của Theresa May đã giúp bà gây được cảm tình ở cả phe ủng hộ lẫn phản đối Brexit.

Nữ chính trị gia đã lên tiếng khẳng định tại một cuộc họp báo: "Brexit nghĩa là Brexit. Chiến dịch vận động đã diễn ra. Cuộc bỏ phiếu đã được tiến hành. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao. Dân chúng đã đưa ra quyết định. Không được phép có thêm nỗ lực nào để ở lại EU nữa, để gia nhập EU bằng cửa sau hay một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai nữa".

CNN đánh giá May là một người cực kỳ cuồng công việc, giống như bà đầm thép Margaret Thatcher, Thủ tướng Anh từ năm 1979 đến 1990. Mặc dù vậy, trên cương vị Thủ tướng Anh, Theresa May chắc chắn sẽ phải đối mặt với khó khăn và thách thức chất chồng khi điều hành một đất nước vừa từ bỏ tư cách thành viên EU./.