IMF tiếp tục hạ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã một lần nữa hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm 2015, đồng thời cảnh báo tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới sẽ yếu và không đồng đều.
Đây là lần thứ ba tổ chức tài chính toàn cầu này giảm dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu do triển vọng không mấy sáng sủa tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Trung Đông và Nhật Bản, cũng như tình hình suy thoái ở một số thị trường mới nổi.
Trong báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày 7/10, IMF dự báo tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của kinh tế toàn cầu chỉ đạt 3,3% trong năm nay, giảm 0,1% so với mức dự báo đưa ra hồi tháng Bảy. IMF cũng hạ tốc độ tăng GDP của kinh tế thế giới trong năm 2015 từ 4% xuống còn 3,8%.

WB phát động sáng kiến hợp tác nâng cấp cơ sở hạ tầng

Ngân hàng thế giới (WB) ngày 9/10 đã phát động sáng kiến hợp tác toàn cầu "Global Infrastructure Facility" (GIF) với mục tiêu kết nối các tổ chức đầu tư tư nhân với nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.

Phát biểu tại cuộc họp báo trước thềm Hội nghị thường niên của WB và IMF, Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho biết GIF hứa hẹn mang đến sự hợp tác "chưa từng có" giữa khu vực tư nhân với các quốc gia cung cấp viện trợ, các ngân hàng phát triển đa phương...
Người đứng đầu WB đánh giá GIF sẽ giúp mang lại những dự án đầu tư khả thi cũng như nguồn trợ cấp vốn đều đặn và bền vững thông qua việc huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển và mới nổi.

Trung Quốc vượt Mỹ thành nền kinh tế lớn nhất thế giới

Theo số liệu mới nhất của IMF, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP) với Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc và Mỹ trong năm nay ước sẽ đạt lần lượt 17.632 tỷ USD và 17.416 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo phân tích của công ty nghiên cứu thị trường IHS, nếu xét về GDP danh nghĩa, Trung Quốc dự kiến sẽ không thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trước năm 2024.
Hiện tại GDP bình quân đầu người của Trung Quốc vẫn chỉ bằng chưa đầy 1/4 GDP của Mỹ.

Thủ đô Kiev của Ukraine ra quyết định tẩy chay hàng hóa Nga

Với 76 phiếu thuận, Hội đồng Nhân dân thủ đô Kiev của Ukraine ngày 9/10 đã thông qua quyết định tiến hành đánh dấu đặc biệt bảng giá các sản phẩm của Nga, đồng thời yêu cầu chủ các cơ sở thương mại để hàng hóa Nga trên các giá hàng riêng.
Quyết định này được đưa ra trong khuôn khổ chương trình về phối hợp hợp hoạt động thông tin và bảo vệ an ninh thông tin nhà nước tại thủ đô trong trường hợp Nga đưa quân vào Ukraine.
Ủy viên Hội đồng thành phố, thành viên đảng "Svoboda", ông Ruslan Andriyko trong thời gian trình dự luật đã tiến hành các cuộc đàm phán sơ bộ với các đại diện doanh nghiệp về sáng kiến đánh dấu hàng hóa này và được hầu hết các doanh nghiệp ủng hộ, thậm chí một trong các mạng lưới bán lẻ tại thủ đô đã áp dụng sáng kiến này.

Đức-Trung Quốc ký kết 19 thỏa thuận hợp tác trị giá 2 tỷ Euro

Ngày 10/10, sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đồng chủ trì cuộc tham vấn liên chính phủ lần thứ ba giữa hai nước tại thủ đô Berlin.
Nội dung trọng tâm của cuộc tham vấn với khẩu hiệu "Đối tác đổi mới" lần này là thảo luận các biện pháp nhằm củng cố quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu, nông nghiệp, đào tạo nghề, thương mại và đầu tư.

Kết thúc diễn đàn, hai thủ tướng Đức và Trung Quốc đã chứng kiến lễ ký kết 19 thỏa thuận hợp tác quan trọng, trong đó có "Tuyên bố chung về Hợp tác Cải cách," hợp tác về nghiên cứu, y tế, nông nghiệp, lương thực, giáo dục, công nghệ thân thiện với môi trường...
Các thỏa thuận hợp tác trị giá trên 2 tỷ euro còn bao gồm thỏa thuận giữa hãng chế tạo máy bay Airbus và Ủy bản cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc về mua các máy bay A320, ý định thư đặt mua máy bay A330 cùng một số thỏa thuận kinh tế quan trọng khác./.