Áp lực tiết kiệm cho hưu trí ngày càng tăng

Cụ thể, Báo cáo cho thấy, thế hệ hưu trí hiện tại đã bắt đầu tiết kiệm cho quãng đời về hưu của mình từ năm 35 tuổi và nghỉ hưu ở tuổi 58, thời gian tiết kiệm trung bình là 23 năm.

Trong khi đó, những người trong độ tuổi lao động toàn cầu hiện bắt đầu tiết kiệm cho hưu trí sớm hơn năm năm, ở độ tuổi 30, và dự tính sẽ nghỉ hưu trễ hơn hai năm ở tuổi 60. Như vậy, họ sẽ dành trung bình 30 năm tiết kiệm cho tương lai hưu trí của bản thân – nhiều hơn bảy năm so với những người hiện đã về hưu.

Mặc dù bắt đầu tiết kiệm hưu trí sớm hơn, phần lớn những người đang trong độ tuổi lao động cho rằng họ chưa tiết kiệm đủ. Hơn một phần ba (38%) những người được hỏi cho rằng giá như họ đã bắt đầu tiết kiệm sớm hơn và 28% cho rằng đúng ra, họ nên dành một phần thu nhập nhiều hơn cho tiết kiệm.

Tuy vậy, đối với Việt Nam tình hình đang có xu hướng ngược lại, tuy là một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao và là quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới nhưng việc lên kế hoạch chuẩn bị cho hưu trí vẫn chưa được chú trọng. Lương hưu nhà nước và lương hưu xã hội hiện vẫn đóng vai trò quan trọng đối với người lao động nước ta.

Người trong độ tuổi lao động hiện tại bắt đầu tiết kiệm cho tuổi gia sớm hơn 7 năm so với những người hưu trí hiện tại

Người lao động có xu hướng tìm nhiều nguồn cung tài chính cho hưu trí

Báo cáo chỉ ra, những người chưa về hưu có kế hoạch chuẩn bị tài chính cho tương lai hưu trí của mình không giống nhau. Chính sách hỗ trợ từ nhà nước ở nhiều quốc gia đang thu hẹp dần có thể tác động không nhỏ đến kế hoạch hưu trí của nhiều người. Chỉ 30% những người trước tuổi nghỉ hưu cho rằng họ có thể sống dựa vào tiền lương hưu nhà nước hay bảo hiểm xã hội; trong khi hiện có 45% người nghỉ hưu đang sống nhờ hai nguồn này.

Những phương án phổ biến khác nhằm tạo thu nhập cho thời gian hưu trí bao gồm các khoản tiết kiệm (42%), tiếp tục làm việc khi đã đến tuổi nghỉ hưu (29%) và kế hoạch lương hưu cá nhân (23%).

Bên cạnh những phương thức tiết kiệm truyền thống cho hưu trí như trên, Báo cáo cho thấy, thế hệ hiện nay cũng đang tìm nhiều nguồn cung tài chính khác cho giai đoạn hưu trí. Và theo nghiên cứu, những phương thức tiết kiệm ở các quốc gia cũng rất khác nhau. Không ít người chưa về hưu đang cân nhắc sử dụng bất động sản như một kênh tạo thêm thu nhập. Hơn một phần mười những người trong độ tuổi lao động (12%) cho rằng phương án bán bớt tài sản hoặc chuyển sang ngôi nhà nhỏ hơn sẽ giúp họ có thêm thu nhập cho giai đoạn hưu trí. Điều này đặc biệt phổ biến tại Úc (26%) và Anh (22%), trong khi đó, chỉ 6% những người đang trong độ tuổi nghỉ hưu khắp thế giới sử dụng phương án đổi sang nơi ở nhỏ hơn hoặc bán bớt tài sản.

Tại châu Á và Trung Đông, trợ giúp từ gia đình là phương thức phổ biến. Cụ thể như tại Ấn Độ (15%), Singapore (15%), Hồng Kông (14%) và Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (14%).

Tại Việt Nam, phần lớn người cao tuổi không có tích lũy dành cho hưu trí, đa phần thu nhập trong giai đoạn hưu trí của họ dựa vào sự hỗ trợ của xã hội, gia đình hoặc tự làm việc để kiếm thêm thu nhập. Theo điều tra của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình năm 2015, hơn 70% người cao tuổi phải tiếp tục kiếm sống bên cạnh nhận sự hỗ trợ từ gia đình; chỉ 30% người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế sẽ tăng khi về già. Số liệu của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy chi phí y tế cho người già cao gấp 7-10 lần người trẻ và họ sử dụng 50% tổng lượng thuốc.

Điều này càng nhấn mạnh nhu cầu cần thiết của việc lên kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc sống về hưu có chất lượng./.