Cuba yêu cầu Mỹ bồi thường hơn 300 tỷ USD vì cấm vận kinh tế

Ngày 29/7, Hãng thông tấn nhà nước Notimex của Mexico đưa tin theo tính toán của Cuba, Mỹ phải bồi thường cho quốc đảo này hơn 300 tỷ USD tiền thiệt hại do cuộc bao vây cấm vận gây ra, trong đó 181 tỷ USD thuộc về thiệt hại con người và 121 tỷ USD thiệt hại kinh tế.

Cuộc đàm phán song phương lần thứ hai vừa kết thúc tại Washington được coi là có nhiều tiến bộ hơn so với cuộc gặp lần thứ nhất tại La Habana, Cuba.

Notimex cũng cho biết phía Mỹ cũng nói tới con số bồi thường lên tới gần 8 tỷ USD dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có thiệt hại do Cuba tiến hành quốc hữu hóa đối với một số công ty tư nhân Mỹ, tiền thiệt hại đối với Chính phủ Mỹ cộng với lãi suất...

Notimex trích dẫn nguồn tin yêu cầu giấu tên cho biết bồi thường thiệt hại là một trong những vấn đề hóc búa nhất trong các cuộc đàm phán song phương kể từ khi hai bên tuyên bố bình thường hóa quan hệ.

Chính quyền Nhật Bản công bố gói kích thích kinh tế khổng lồ

Nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, chính quyền Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá hơn 28.000 tỷ Yen (tương đương 266 tỷ USD).

Phát biểu ngày 27/7, Thủ tướng Abe khẳng định gói kích thích này bao gồm khoảng 13.000 tỷ Yen trong chi tiêu chính phủ.

Các khoản chi công cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và thu hút thêm du khách quốc tế được tăng đáng kể.

Ông cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tự do thương mại toàn cầu và khẳng định sẽ thúc đẩy thỏa thuận Đối tác Thương mại châu Á - Thái Bình Dương (TPP).

Ngân hàng trung ương Singapore tăng kiểm soát hành vi rửa tiền

Ngân hàng trung ương Singapore mới đây cho biết sẽ đẩy mạnh kiểm soát hành vi rửa tiền và nhanh chóng tiến hành các biện pháp cần thiết đối với các ngân hàng, sau khi một số thể chế tài chính nước này dính líu tới các dòng tiền liên quan tới quỹ phát triển quốc gia 1MDB của Malaysia.

Trong một phát biểu mới đây, ông Ravi Menon, Giám đốc điều hành Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS, Ngân hàng trung ương) nhận định các kết quả điều tra gần đây đã làm sứt mẻ danh tiếng của MAS với tư cách là một trung tâm tài chính trong sạch và đáng tin cậy. Ông cho biết MAS sẽ kết hợp với các bên có liên quan quyết tâm giải quyết vấn đề này.

Bình luận của ông Menon được đưa ra sau khi giới chức Singapore thông báo đã tịch thu các tài sản có giá trị lên tới 240 triệu SGD (tương đương 177 triệu USD) trong một cuộc điều tra về các dòng tiền liên quan tới 1MDB do có nghi vấn về hành vi rửa tiền.

Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt nhiều khó khăn sau vụ đảo chính

Chỉ hơn một tuần sau khi âm mưu đảo chính bất thành nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan gây chấn động trên toàn lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã ngay lập tức cảm nhận được rõ nét những tác động tiêu cực của cuộc đảo chính này đối với nền kinh tế vốn đang gặp phải rất nhiều khó khăn.

Kể từ sau khi thông tin về vụ đảo chính được loan báo, giá trị đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm đến 6% so với đồng USD trong khi thị trường chứng khoán nước này cũng để mất đến hơn 10%.

Chuyên gia nghiên cứu thuộc Renaissance Capital Michael Harris nhận định đối với những quốc gia như Vương quốc Anh hay Nam Phi thì sự sụt giá của đồng nội tệ, mặc dù gây ảnh hưởng đến sức mua của người dân, song không làm thay đổi động lực kinh tế vĩ mô một cách đáng kể như những gì đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo chuyên gia này, Ankara đang trải qua thời khắc khó khăn với lạm phát cao, do đó đồng lira suy yếu sẽ tạo áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp của nước này hay thậm chí ở mức nghiêm trọng hơn là nguy cơ suy thoái kinh tế./.