WB cho phép Iran tiếp cận 30 tỷ USD tài sản bị đóng băng

Ngày 4/8 vừa qua, WB cho biết Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) đã cho phép Iran được tiếp cập khối tài sản khổng lồ, giá trị 30 tỷ USD, bị đóng băng do các biện pháp trừng phạt quốc tế trước đây.

Trước đó, một trong những vấn đề chính được đưa ra trong Kế hoạch Hành động Toàn diện (JCPOA), có hiệu lực từ tháng 1/2016, là cho phép Iran được sử dụng khối tài sản khổng lồ của quốc gia Tây Á này tại các tổ chức tín dụng quốc tế.

Trong thời gian cấm vận, phần lớn tài sản bị đóng băng của Iran tại các ngân hàng quốc tế, đặc biệt tại WB, là do việc bán dầu mỏ cho các khách hàng truyền thống ở châu Á, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính quốc tế cho biết để được sử dụng và "giải phóng" toàn bộ khối tài sản khổng lồ bị "khóa" này, Iran sẽ còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới.

BoE giảm lãi suất đối phó nguy cơ suy thoái kinh tế do Brexit

Ngày 4/8, Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) thuộc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định giảm lãi suất cơ bản từ 0,5% xuống 0,25%, nhằm đối phó với nguy cơ suy thoái kinh tế do hậu quả của việc nước này quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Động thái cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2009 của BoE đã tạo ra những phản ứng nhanh chóng trên thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu.

Ngoài việc bỏ phiếu thông qua quyết định cắt giảm 0,25% lãi suất cơ bản, BoE còn thông qua chương trình mới trị giá 100 tỷ bảng, nhằm khuyến khích hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây được coi là bước đi mạnh mẽ nhằm ngăn chặn đà suy thoái của nền kinh tế sau Brexit.

Kinh tế Nga ghi nhận giảm phát lần đầu tiên sau 5 năm

Ngày 3/8, Cơ quan Thống kê Nga công bố đã ghi nhận chỉ số giảm phát 0,1% trong tuần từ 26/7 đến 1/8 - lần đầu tiên kể từ tháng 9/2011. Dù phần nhiều do yếu tố mùa vụ, song Bộ Kinh tế Nga hy vọng giảm phát sẽ tiếp diễn trong tháng Tám và đầu tháng Chín.

Bộ Kinh tế Nga vẫn giữ nguyên đánh giá lạm phát tháng Bảy ở mức 0,5-0,7%. Với mức này, lạm phát năm tính đến hết tháng Bảy giảm còn 7,2​-7,4% từ mức 7,5% tính đến cuối tháng Sáu. Trong khi đó, Ngân hàng Nga dự báo lạm phát năm tính đến hết tháng Bảy ở mức 7,3%, sẽ giảm xuống 5-6% cho đến cuối năm 2016.

Các yếu tố kéo lạm phát chậm lại theo Ngân hàng Nga là giá dịch vụ dân sinh thấp hơn, vụ mùa thu hoạch và tâm lý tiêu dùng kiềm chế.

Ngân hàng Trung ương Australia giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục

Ngân hàng Dự trữ Australia, tức ngân hàng trung ương, ngày 2/8 đã cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 1,5% trong bối cảnh lạm phát "vẫn ở mức khá thấp."

Như vậy, kể từ tháng 11/2011, Australia đã cắt giảm lãi suất 300 điểm cơ bản nhằm hỗ trợ kinh tế. Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia, ông Glenn Stevens cho rằng tỷ lệ lạm phát thấp là nguyên nhân khiến Australia phải cắt giảm lãi suất.

Lạm phát hàng năm của Australia hiện chỉ là 1%, thấp hơn so với mục tiêu mà ngân hàng này đặt ra là từ 2-3%. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì ở mức vừa phải bất chấp "sự sụt giảm lớn" trong đầu tư kinh doanh./.