Trung lập…

Sau phán quyết hôm 12/7 của Tòa Trọng tài Thường trực của Liên hợp quốc (PCA) về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông, phản ứng của Moscow về phán quyết này được biết đến dưới hình thức trả lời cho một câu hỏi của một nhà báo Trung Quốc tại cuộc họp báo hàng tuần của bà Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga.

Trong danh sách các nước được cho là ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông, Nga là nước lớn nhất và có ảnh hưởng nhất. Chỉ có điều phản ứng của Liên bang Nga trước phán quyết từ PCA là hơi chậm và gián tiếp trong ngày 14/7, hai ngày sau phán quyết từ PCA.

Phản ứng của Nga được đưa ra dưới hình thức trả lời câu hỏi của một nhà báo Trung Quốc tại cuộc họp báo hàng tuần của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao của Maria Zakharova. Đây là dấu hiệu cho thấy, Nga không muốn sa vào tranh chấp và không coi Biển Đông là ưu tiên cấp bách hàng đầu.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Zakharova

Như thường lệ, Liên bang Nga bày tỏ ủng hộ giải pháp ngoại giao cho việc giải quyết tranh chấp giữa các bên hữu quan, kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế - bao gồm UNCLOS và Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) - và sớm kết thúc đàm phán về một bộ luật có tính ràng buộc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rõ rằng Moscow không đứng về phía nào trong tranh chấp Biển Đông. Mặc dù vẫn chống lại sự can thiệp của các nước ngoài khu vực, phát ngôn viên Zakharova đã không đề cập đến việc các nước không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông lợi dụng tình hình để mưu cầu lợi ích địa chính trị, một thuật ngữ thường được dùng để ám chỉ Mỹ.

Cuối cùng, phát ngôn viên Zakharova nhiều lần đề cập đến Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và hỗ trợ vai trò của UNCLOS trong việc duy trì pháp luật quốc tế trên các đại dương.

Bắc Kinh từng sử dụng các kênh song phương để thúc đẩy Nga theo hướng hỗ trợ nhiều hơn cho lập trường của Trung Quốc về Biển Đông. Chỉ một ngày trước khi phán quyết từ PCA được công bố, phó đại sứ Trung Quốc ở Moscow đã đến Bộ Ngoại giao Nga để thảo luận về "các vấn đề song phương và toàn cầu hiện nay”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Zakharova đã nói rõ rằng Nga không muốn bị lôi kéo vào các tranh chấp Biển Đông và cho thấy khá rõ việc bên nào đang cố gắng lôi Nga vào cuộc.

Như thường lệ, Bắc Kinh vẫn đưa Nga vào danh sách các nước ủng hộ Trung Quốc thách thức phán quyết của PCA. Về phần mình, Liên bang Nga dường như cũng tránh làm phật lòng đối tác chiến lược Trung Quốc.

…nhưng thực chất là ủng hộ

Theo phân tích của tạp chí The Diplomat, có 3 lý do chính dẫn đến quan điểm trung lập của chính phủ Nga trước vấn đề các bên tranh chấp trên Biển Đông.

Thứ nhất, khác với mối quan hệ Philippines - Mỹ, Trung Quốc và Nga vốn không phải là quan hệ đồng minh. Không có bản hiệp ước cam kết nào giữa hai nước giống như Mỹ - Philippines, hay Mỹ - Nhật Bản mà buộc một bên phải hỗ trợ quân sự, chính trị cho bên còn lại. Nói tóm lại, giữa Trung Quốc và Nga chỉ là quan hệ đối tác chiến lược và không có bất cứ sự ràng buộc nào.

Thứ hai, Nga muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp với những quốc gia tiếp giáp với Biển Đông. Không thể chỉ vì công khai lên tiếng ủng hộ một mình Trung Quốc mà Nga trở thành kẻ thù của những nước Đông Nam Á.

Cuối cùng, chính tham vọng bành trướng của Trung Quốc cũng khiến Nga lo ngại. Người Nga luôn e ngại với tham vọng và tốc độ phát triển của Trung Quốc như hiện nay, sẽ có lúc khu vực Viễn Đông nước Nga cũng bị người Trung Quốc “nhòm ngó”, đem theo phần lãnh thổ cùng tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho Trung Quốc.

Về những cuộc tập trận hải quân chung mà Nga và Trung Quốc sẽ tổ chức ở Biển Đông vào tháng 9 tới, thì theo quan điểm của GS. Mosyakov - nhà chính trị học của Nga là không có liên quan gì và không ràng buộc với tình hình tại khu vực này. Những cuộc thao diễn quân sự tương tự như vậy tại khu vực Biển Đông đã từng được tiến hành, hoạt động sắp tới cũng đã được lên kế hoạch từ thời gian dài trước đây và tuyệt nhiên không phải là kiểu tín hiệu hay dấu hiệu nào đó. Mặc dù, trong chừng mực đây là khu vực khá nhạy cảm, tập trận theo kế hoạch có thể được cảm nhận không đồng nhất.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng Biển Đông và phát triển chiến lược hải quân hạn chế tự do hàng không và hàng hải thông qua chiến lược chống truy cập/chống tiếp cận là một con dao hai lưỡi đối với Nga.

Nếu Trung Quốc độc chiếm và toàn quyền kiểm soát Biển Đông thành công thì chính tự do hàng hải của Nga sẽ bị hạn chế, và quan trọng hơn là làm suy yếu quan hệ chiến lược giữa Nga với Việt Nam, ngăn cản Nga mở rộng hợp tác quân sự với ASEAN.

Như vậy, mặc cho những xuyên tạc về cách hiểu của Trung Quốc, thì thực chất sự trung lập của Nga cũng chính là sự ủng hộ đối với phán quyết thế kỷ từ Tòa trọng tài PCA./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://vn.sputniknews.com/opinion/20160810/2256302/nga-thuc-te-cong-nan-phan-quyet-cua-toa-an-hague.html

http://kienthuc.net.vn/nong-sau/trung-quoc-nga-ngua-truoc-lap-truong-cua-nga-ve-bien-dong-715206.html

http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-het-mem-mai-voi-trung-quoc-sau-phan-quyet-pca-3314484/