Tuy nhiên, Trung Quốc rất khó bảo đảm đúng lời hứa. Theo nhiều ý kiến chuyên môn, các ngân hàng và nhà đầu tư Trung Quốc đang rất miễn cưỡng, không muốn mạo hiểm đối đầu với phương Tây bằng cách tăng đầu tư vào Moscow.

Một quan chức Ngân hàng Trung Quốc tại Moscow cho biết: "Chúng tôi muốn phát triển kinh doanh tại Nga, nhưng chúng tôi cũng phải cân nhắc rủi ro có thể xảy ra."

Một giám đốc điều hành của phương Tây trong ngành công nghiệp năng lượng cũng nhận định: "Phía Nga hiện rất lo ngại khi Trung Quốc dường như đang miễn cưỡng đầu tư vào quốc gia này". Điều này đã xảy ra đối với hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá 400 tỷ USD giữa Gazprom và CNPC ký kết hồi tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, một phần của thương vụ này là CNPC phải thanh toán trước 25 tỷ USD nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy có động tĩnh nào. Ông Alexander Medvedev, Phó giám đốc điều hành của Gazprom, cho biết thời gian gần đây vấn đề thanh toán vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Các quan chức Ngân hàng Trung Quốc cho biết, do các ngân hàng lớn của Trung Quốc còn có lợi ích chiến lược ở những nơi khác, nên họ khó lòng giúp Nga phá vỡ lệnh trừng phạt của Mỹ và EU.

Sự thận trọng được thể hiện rõ ràng ở con số cho vay. Tính đến đầu tháng 9, Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã thống kê hồ sơ cho vay doanh nghiệp sang Nga chỉ dừng lại ở 3.35 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 83 triệu USD).

Con số này không thấm vào đâu so với khoản nợ nước ngoài lên đến 134 tỷ USD mà các ngân hàng và doanh nghiệp Nga phải hoàn trả vào cuối năm 2015, phần lớn cho các ngân hàng Mỹ và châu Âu.

Nhiều doanh nghiệp Nga cũng nhận thức được khó khăn mà họ đang phải đối mặt. "Tôi tin rằng các ngân hàng Trung Quốc sẽ đưa ra nhiều hành động hơn, tuy nhiên điều này đòi hỏi phải có thời gian", một giám đốc điều hành tại VTB, ngân hàng lớn thứ hai của Nga hiện là đối tượng trừng phạt của Mỹ và EU nói.

"Rất khó để nhóm họp", ông nói. "Họ dường như đều e ngại rủi ro chính trị và không ấn tượng nhiều với khả năng lợi nhuận có thể kiếm được từ Nga."

Các công ty Nga cũng đang phải đối mặt với các vấn đề tài chính thương mại và quản lý tiền mặt, một lĩnh vực mà gần đây họ phải yêu cầu các ngân hàng Trung Quốc giúp đỡ.

Có dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương của Trung Quốc đang theo dõi dòng tiền chuyển đến và đi từ các công ty Nga để đảm bảo không liên quan đến các công ty bị trừng phạt phạt hoặc đầu sỏ chính trị. Tháng trước, các cơ quan thông tấn của Nga đưa tin, một số ngân hàng thương mại Trung Quốc đã từ chối chuyển tiền của khách hàng Nga thông qua tài khoản ở nước ngoài./.

Dịch từ nguồn:
http://www.ft.com/intl/cms/s/0/4e3ec352-51f8-11e4-b55e-00144feab7de.html?siteedition=intl#axzz3FzE8q86p