Mới đây, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề nghị tăng cường ngân sách quốc phòng với 5.160 tỷ Yen (51 tỷ USD) cho năm tài chính 2017. Nguyên nhân của việc này được cho là để đối phó với căng thẳng đang gia tăng trên biển Hoa Đông và mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên.

Mặc dù vậy, ông Takashi Kawakami, chuyên gia an ninh tại Đại học Takushoku, Nhật Bản, cho biết mức tăng này là "chưa đủ" so với độ nghiêm trọng về môi trường an ninh đến từ các nước láng giềng.

Ngân sách khổng lồ này sẽ được sử dụng cho nhiều mục đích quân sự khác nhau như tăng cường hệ thống phòng thủ bảo vệ Nhật Bản khỏi các đòn tấn công tên lửa đạn đạo có thể xuất phát từ Triều Tiên; xây dựng hạm đội tàu ngầm để chống lại Trung Quốc trong khu vực xảy ra tranh chấp lãnh hải trên biển Hoa Đông.

Tốc độ gia tăng ngân sách quân sự của Nhật Bản được cho là có liên quan đến các vụ thử tên lửa mới đây của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, trong đó có vụ Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo với tầm bắn 1.000 km. Tên lửa này đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản cho dù cả Nhật Bản và Mỹ đều có các phương tiện cảnh báo sớm và đánh chặn tên lửa.

Theo NHK, phía Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang đề nghị chi 105 tỷ Yen (1,05 tỷ USD) để tăng cường hệ thống phòng thủ chống tên lửa bằng việc bổ sung thêm các tổ hợp tên lửa có điều khiển Patriot (PAC-3).

Ngoài ra, theo dự thảo ngân sách trên, Nhật Bản sẽ lần đầu tiên trong lịch sử mua các tên lửa phòng không có điều khiển mới nhất của Mỹ SM-3 Block IIA với tầm bay cao tối đa đạt gần 1.000 km. Các loại tên lửa này dự kiến được bố trí trên các tàu chiến cùng với hệ thống cảnh báo sớm Aegis.

Theo các số liệu của tạp chí Nikkei đưa ra, trong mùa thu năm 2016, các loại tên lửa SM-3 Block IIA sẽ được đưa vào thử nghiệm ở các khu vực xung quanh đảo Hawaii và từ năm 2017, các loại tên lửa này sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt.

Trong khi đó, loại tàu ngầm mà Nhật Bản đang muốn đóng sẽ có khả năng được trang bị các loại tên lửa tầm bắn đạt 300 km. Các loại tàu ngầm này dự kiến sẽ được bố trí gần các đảo tranh chấp ở Senkaku, gần Okinawa vào năm 2023. Đây được coi là biện pháp để Nhật Bản tăng cường vị thế của mình trong giải quyết tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở khu vực Senkaku (Trung Quốc họi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở khu vực này đã trở nên căng thẳng sau khi năm 2012, Chỉnh phủ Nhật Bản đã mua lại 3 trong số 5 đảo trong khu vực này từ tay một doanh nhân Nhật Bản. Trung Quốc lại coi các hòn đảo này là thuộc lãnh thổ của Trung Quốc./.