WB cho biết, triển vọng tăng trưởng toàn cầu sáng sủa hơn trong năm 2014; dự báo tăng trưởng năm 2014 có thể đạt 3,2% và năm 2015 là 3,4% nhờ những cải thiện về điều kiện kinh tế tại các nước có thu nhập cao, trong đó lần đầu tiên trong vòng 05 năm qua, ba nền kinh tế lớn là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cùng tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế như vậy có thể gây ra những trục trặc ở đâu đó trong nền kinh tế toàn cầu.

Tháng 12 năm ngoái, FED bắt đầu giảm liều lượng gói kích thích kinh tế thông qua chương trình nới lỏng định lượng (tăng cung tiền bằng việc mua trái phiếu). Họ cho biết, miễn là việc điều chỉnh này diễn ra theo những cách thức có trật tự, nó sẽ chỉ tác động rất nhỏ tới các nước đang phát triển. Tuy nhiên, nếu việc điều chỉnh này không theo trật tự, lãi suất có thể tăng lên nhanh hơn. Khi đó, các nước có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, tỷ lệ nợ nước ngoài cao và mở rộng tín dụng mạnh mẽ sẽ nằm trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất.

Trong công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu của WB (Global Economic Prospects), Andrew Burns, tác của bản Báo cáo cho biết, tăng cường phục hồi ở các nước có thu nhập cao luôn được chào đón, nhưng nó cũng mang theo nguy cơ đổ vỡ khi chính sách tiền tệ thắt chặt. Ông cho biết thêm rằng, nếu lãi suất tăng 1 điểm phần trăm sẽ dẫn tới việc các dòng vốn sẽ giảm 50%, và nếu lãi suất tăng 2 điểm phần trăm, các dòng vốn có thể giảm 80%, khi đó sẽ xảy ra nguy cơ gây ra khủng hoảng tại một số nước dễ bị tổn tương hơn.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu dự báo mức tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển năm 2014 có thể đạt 2,2%, cao hơn mức 1,3% của năm 2013. Trong đó, sự phục hồi đáng kể nhất là kinh tế Mỹ, tăng trưởng liên tục trong 10 quý vừa qua. Kinh tế châu Âu sau hai năm thắt chặt được dự báo tăng trưởng ở mức 1,1% trong năm 2014.

Trong khi đó, các nước đang phát triển được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2014, thấp hơn mức dự báo trước đó và thấp hơn 2,2 điểm so với tăng trưởng trong nửa đầu thập kỷ trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007.

Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho biết, tăng trưởng dường như được cải thiện ở cả các nước phát triển và đang phát triển, nhưng rủi ro suy thoái vẫn tiếp tục đe dọa kinh tế toàn cầu phục hồi. Các nước phát triển đang lấy lại đà tăng trưởng và điều này có thể hỗ trợ mạnh mẽ hơn tăng trưởng của các nước đang phát triển trong những tháng tới đây. Các nước đang phát triển muốn đẩy nhanh giảm nghèo thì cần phải thực hiện cải cách cấu trúc nhằm thúc đẩy tạo việc làm, tăng cường hệ thống tài chính và củng cố mạng lưới an sinh xã hội./.

Dịch từ: http://www.theguardian.com/business/2014/jan/15/developing-countries-stimulus-world-bank-monetary-policies