Năm 2013, sự tăng trưởng của kinh tế châu Á vẫn là động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng đúng như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đánh giá và mong đợi trong “Báo cáo triển vọng kinh tế châu Á”. Dự báo mức tăng trưởng đối với 45 nước thành viên đang phát triển của ADB là 6% trong năm 2013 và 6,2% trong năm 2014. Sự sụt giảm này là do nhu cầu từ các nước công nghiệp chủ chốt suy giảm đáng kể và tốc độ tăng trưởng chậm lại ở hai nền kinh tế đầu tàu khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ.

Ông Changyong Rhee, Trưởng Ban Kinh tế của ADB cho rằng: “Mặc dù có những bất định trong môi trường kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế châu Á đang phát triển vẫn vững vàng. Khu vực đã đạt được những kết quả tốt trong năm 2013 và giờ đây đang tự tin mà hưởng lợi từ những dấu hiệu của động lực tăng trưởng tốt hơn tại các nền kinh tế phát triển.”

Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất khu vực và lớn thứ 2 thế giới. Năm 2013, kinh tế nước này chỉ đạt mức tăng trưởng 7,6%, mức thấp nhất trong hơn 20 năm qua, do chính phủ nước này thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng, bất động sản và công suất dư thừa song vẫn giữ mức tăng cao nhất thế giới. Cụ thể: Quý III đạt 7,7% và cả năm có thể đạt mức 7,5% - 7,8%, nhưng năm 2014 sẽ giảm từ 0,3% - 0,6%. Điều này khiến dự báo về tăng trưởng trung bình của khu vực Đông Á cũng tăng thêm với tốc độ tương tự, đạt 6,7% trong cả hai năm 2013 và 2014. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và không ổn định thì mức tăng trưởng của Trung Quốc vẫn được coi là “ngoạn mục”.

Nền kinh tế lớn thứ hai châu Á là Nhật Bản, tuy chưa phục hồi so với trước suy thoái nhưng cũng có những bước tiến mới (2,5%) kể từ khi chính sách kinh tế Abenomics phát huy hiệu quả. Trong khi đó, theo ADB, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ cũng bị giảm sút từ 6% xuống còn 5,8% trong năm 2013 và có thể cả năm 2014. Nền kinh tế này cũng đã bộc lộ những điểm yếu kém, trì trệ, tắc nghẽn trong hoạt động sản xuất và đầu tư do cơ sở hạ tầng kém và cải cách cơ cấu chậm.

Kinh tế khu vực Trung Á đang dần phục hồi với dự báo tăng trưởng của cả khu vực được điều chỉnh tăng so với dự báo được đưa ra vào tháng 10 trước đó: tăng trưởng từ 5,4% - 5,7% trong năm 2013, và có thể đạt mức 6,0% vào năm 2014. Sự điều chỉnh này có được là nhờ kết quả tăng trưởng tích cực của hai nền kinh tế Kazakhstan và Turkmenistan. Kinh tế khu vực Nam Á, cũng chỉ đạt 4,7% trong năm 2013 và 5,5% năm 2014. Khu vực Đông Á trong cả năm nay và năm tới cũng giảm từ 7,1% xuống còn 6,6%.

Khu vực Đông Nam Á về cơ bản là phục hồi và tăng tưởng cao, do hoạt động đầu tư phục hồi và xuất khẩu tăng. Đây cũng là động lực thúc đẩy kinh tế các nước khu vực lạc quan hơn Đông Nam Á sẽ đạt 4,9% trong năm 2013 và 5,3% vào năm 2014.

Được tác động tích cực của các nền kinh tế lớn, như: Mỹ, Trung Quốc, EU, kinh tế ASEAN sau thời gian ngắn chững lại, nay vẫn duy trì được mức tăng trưởng, trong đó một số nước trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong khu vực, tiêu biểu là Myanmar. Năm tài chính từ tháng 4/2012 tới tháng 3/2013, tăng trưởng GDP của Myanmar đạt 6,7%. Dự kiến năm 2014 có thể đạt 8,9%, mức cao nhất trong khu vực và cũng là mức cao trên thế giới. Hầu hết các tổ chức kinh tế thế giới đều đưa ra dự báo tích cực đối với kinh tế Myanmar, như trong 5 năm tới, GDP tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 7,7%. Kinh tế tăng trưởng lành mạnh, biến nước này trở thành “miền đất hứa” của các nhà đầu tư thế giới. Trước kia, kinh tế Myanmar bị đánh giá là èo ọt, ì ạch, chậm chạp, nhưng chỉ trong hơn 2 năm kể từ khi mở cửa với Mỹ và phương Tây, kinh tế nước này đã trở thành điểm sáng của khối ASEAN. Hiện Myanmar thu hút được hơn 42 tỷ USD FDI với hơn 1 tỷ USD cho nửa đầu năm 2013.

Tại khu vực có hai nền kinh tế phát triển, như: Sri Lanka và Philippines vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với các mức lần lượt là 6,6% và 7,3%. Riêng Philippines còn bị cơn bão Haiyan tàn phá nặng nề khiến con số thiệt hại lên tới 10 tỷ USD, tương đương 5% sản lượng kinh tế hàng năm.

Các nền kinh tế ở khu vực Thái Bình Dương được dự đoán sẽ chỉ tăng 5% trong năm 2013 so với mức 7,1% trong năm 2012 trước khi quay trở lại mức 5,4% trong năm 2014. So với tháng 10, những dự báo này thấp hơn 0,2 điểm phần trăm đối với năm 2013 và 0,1 điểm phần trăm đối với năm 2014 do giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế thấp đang có những tác động tiêu cực đến nguồn thu từ xuất khẩu lâm sản, khoáng sản và nông sản của một số nền kinh tế lớn ở khu vực Thái Bình Dương, như: Papua New Guinea và quần đảo Solomon. Nhìn chung, các nước Tây Á, Trung Á, Thái Bình Dương và Đông Nam Á tăng trưởng ở mức chậm song vững chắc.

Mức lạm phát trung bình ở khu vực châu Á đang phát triển dự kiến vẫn giữ nguyên như dự báo tháng 10 là 3,6% trong năm 2013 và 3,7% trong năm 2014.

Tổng hợp từ các nguồn:

http://vneconomy.vn/20130716011223753P0C99/adb-bi-quan-ve-tang-truong-kinh-te-chau-a.htm

http://www.nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/21868502-nhin-lai-chau-a-nam-2013.html

http://fica.vn/quoc-te/adb-ha-trien-vong-tang-truong-dong-nam-a-vi-cang-thang-thai-lan-15-7068.html