Hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc tại Trung Quốc

Ngày 4/9, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã khai mạc ở thành phố Hàng Châu, miền Đông Trung Quốc.

Hội nghị thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế bởi đây được xem là cơ hội tạo đà phục hồi cho nền kinh tế toàn cầu hiện đang chật vật sau khủng hoảng tài chính, đồng thời tái định hình nền kinh tế thế giới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị

Với chủ đề "Hướng tới một nền kinh tế thế giới đổi mới, năng động, liên kết và tổng thể," Trung Quốc - Chủ tịch G20 năm nay - hy vọng hội nghị có thể đưa nhóm này trở thành đầu tàu, phá vỡ những khó khăn và thách thức mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt để chuyển hướng sang "tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và đồng đều."

Bốn vấn đề lớn sẽ được các nhà lãnh đạo G20 tập trung thảo luận ở Hàng Châu gồm phát triển phương thức tăng trưởng sáng tạo, quản trị tài chính kinh tế toàn cầu, thương mại và đầu tư quốc tế mạnh mẽ, năng động và kết nối có hiệu quả cao hơn.

Mỹ quyết định mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga

Theo AFP, ngày 1/9, Mỹ đã công bố một danh sách dài các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, với lý do Moskva tiếp tục ủng hộ lực lượng nổi dậy Ukraine cũng như việc sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014.

Danh sách trừng phạt mới nhằm vào một đơn vị chủ chốt thuộc Ngân hàng Rossiya - thường được gọi là ngân hàng cá nhân của Tổng thống Vladimir Putin, cùng một số công ty xây dựng lớn nhất của Nga.

Danh sách bao gồm 17 phần tử ly khai Ukraine, 11 trong số đó là quan chức của chính quyền Nga được thành lập tại Crimea sau vụ sáp nhập. Ngoài ra, nhiều công ty Nga hoạt động tại Crimea, kể cả một số doanh nghiệp hàng hải và quốc phòng lớn, cũng bị liệt vào danh sách đen.

Chính phủ Mỹ cấm mọi cá nhân và thực thể của nước này làm ăn với các đối tượng trong danh sách trừng phạt, nhằm cô lập những đối tượng này với hệ thống tài chính quốc tế, qua đó hạn chế khả năng giao dịch của họ.

Sản lượng của OPEC đạt mức cao nhất trong gần 20 năm qua

Theo kết quả khảo sát công bố ngày 31/8 của hãng tin Reuters, sản lượng dầu tháng Tám của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đạt mức cao nhất trong gần 20 năm qua, trong bối cảnh mức tăng sản lượng của Saudi Arabia và các nhà sản xuất khác ở vùng Vịnh bù đắp đáng kể cho tình trạng sụt giảm sản lượng tại Nigeria và Libya.

Theo đó, nguồn cung từ OPEC trong tháng Tám đã tăng lên 33,5 triệu thùng mỗi ngày, so với mức đã được điều chỉnh 32,46 triệu thùng mỗi ngày trong tháng Bảy.

Nếu không tính Gabon và Indonesia, sản lượng tháng Tám của OPEC đã đạt 32,54 triệu thùng mỗi ngày, mức cao nhất kể từ năm 1997 khi Reuters bắt đầu tiến hành các cuộc khảo sát về hoạt động khai thác dầu mỏ của các nước thành viên OPEC.

IMF cảnh báo nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào "bẫy tăng trưởng thấp"

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 1/9 kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu cần hành động mạnh mẽ hơn và thực thi các chính sách toàn diện để giúp vực dậy nền kinh tế thế giới.

Nhà lãnh đạo IMF còn nói rằng thể chế này nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay, khi triển vọng kinh tế hiện khá ảm đạm với nhu cầu yếu, đầu tư và thương mại trì trệ, trong lúc tình trạng bất bình đẳng gia tăng.

Theo bà Lagarde, năm 2016 là năm thứ 5 liên tiếp nhịp độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở dưới mức bình quân 3,7% được ghi nhận trong các năm 1990-2007. Đây là lần đầu tiên kể từ những năm 1990, kinh tế thế giới chứng kiến thời gian tăng trưởng trì trệ dài như vậy.

Ngoài ra, quan chức cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cảnh báo về nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào “bẫy tăng trưởng thấp” với tình trạng nợ tăng cao, nhu cầu yếu, lực lượng lao động và lao động có tay nghề sụt giảm, trong khi đầu tư và năng suất sa sút. Kinh tế thế giới hiện đang phải đối mặt với rủi ro tiềm tàng do tình trạng tăng trưởng thấp kéo dài kết hợp với sự bất bình đẳng gia tăng./.